Diễn đàn Tôm Toàn cầu (GSF) được khai mạc vào tháng 9, các nhà tổ chức hy vọng sự kiện này sẽ giúp giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của ngành tôm, đồng thời góp phần tăng cường an ninh lương thực, đảm bảo sinh kế và giảm suy thoái môi trường.
Trang trại nuôi tôm ở Nigeria
Các thách thức chính mà ngành tôm phải đối mặt
Mặc dù tôm có thể là mặt hàng thủy sản có giá trị nhất trên thế giới, nhưng đây lại là ngành có nhiều vấn đề khiến cho các nhà tổ chức của GSF quyết tâm giải quyết.
Willem van der Pijl, một trong ba nhà đồng sáng lập của GSF phản ánh rằng: “Một trong những thách thức chính đối với ngành, cũng như việc tăng sản lượng chính là hạ giá thành của tôm, làm cho tôm có giá cả phải chăng hơn để không chỉ những người giàu có mà nhiều nhóm người tiêu dùng hơn nữa có thể sử dụng, tôi nghĩ đó là thách thức chính của ngành.”
Willem van der Pijl
Ông nói thêm: “Chi phí nhân công và chi phí đầu vào ngày càng tăng, nhưng giá tôm sẽ phải hạ xuống để cạnh tranh với các loại protein khác. Nghĩa là cần phải cải thiện hiệu quả cả trong sản xuất, chuỗi cung ứng hay thị trường. Cần đạt được những điều này thông qua đổi mới, bền vững và hợp tác giữa các bên liên quan. Và tôi nghĩ rằng đây chính xác là những gì chúng tôi đang cố gắng giải quyết với diễn đàn”.
“Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều thách thức phụ – liên quan đến quyền của người lao động trong các nhà máy, đối với nguyên liệu thức ăn, liên quan đến đa dạng sinh học xung quanh các trang trại nuôi tôm. Có rất nhiều thách thức do đặc điểm sản xuất, đặc điểm của loài và vùng địa lý mà ngành hoạt động. Nhưng đối với tôi, thách thức tổng thể thực sự là làm thế nào để tạo ra hiệu quả, đảm bảo tôm trở nên phù hợp với người tiêu dùng, đồng thời cho phép mọi người trong chuỗi cung ứng tạo ra lợi nhuận và sinh kế có ý nghĩa.” – van der Pijl kết luận.
Chris Ninnes, Giám đốc điều hành của ASC, một trong những người sáng lập GSF, nêu bật các nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực, tránh suy thoái môi trường và cải thiện nhân quyền.
Ông lưu ý rằng: “Nếu bạn nhìn vào xu hướng toàn cầu – tiếp tục tăng dân số, tiếp tục giàu có ở nhiều thị trường trọng điểm và có quy mô lớn – điều này sẽ tạo động lực lớn trong tiêu thụ thủy sản. Khi mọi người trở nên thịnh vượng hơn, họ đặt câu hỏi nhiều hơn về các sản phẩm họ ăn. Hải sản nổi tiếng vì lợi ích sức khỏe của nó – những điều này thúc đẩy nhu cầu về hải sản nhiều hơn. Nhưng bạn phải đảm bảo rằng hoạt động sản xuất không phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của môi trường. Và cần đảm bảo rằng ngành công nghiệp này có trách nhiệm với xã hội và nhân quyền, được coi trọng và xây dựng trong các hệ thống sản xuất.”
Người nuôi tôm ở Việt Nam
Theo ông, tăng cường bền vững là một trong những cách quan trọng để hạn chế nhiều thách thức.
Ông chỉ ra: “Bạn có thể nuôi thêm nhiều tôm hơn từ trong cùng một khu vực để hạn chế sự xâm lấn vào môi trường nguyên sơ không? Thế giới phải sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn, đồng thời phải quan tâm và xem xét đến con người và hành tinh – đó là một điều khó khăn”.
Ninnes cho biết thêm: “Sự lây truyền dịch bệnh, chất lượng nước và các tác động đến mực nước ngầm cũng vô cùng quan trọng và là những thứ cần được thảo luận trong diễn đàn. Bạn có thể mang đến những phương pháp hay nhất từ nhiều nơi trên thế giới và chia sẻ chúng để giúp hỗ trợ một tương lai tươi sáng hơn cho ngành.”
Hỗ trợ ngành
Nếu một sự kiện có thể được đánh giá bằng số lượng và tầm cỡ của các nhà tài trợ thì Diễn đàn Tôm toàn cầu sẽ có một thành công vang dội.
Chỉ trong 4 tháng kể từ ngày đưa ra ý tưởng, sự kiện đã thu hút được hơn 30 nhà tài trợ từ khắp các chuỗi giá trị tôm. Ngay cả người đồng sáng lập Jorgen Lund – người đứng sau Diễn đàn Thủy sản Bắc Đại Tây Dương (NASF), người đầu tiên đưa ra khái niệm GSF – cũng phải bất ngờ.
Ninnes cho biết: “NASF đã phải mất 10 năm để tìm ra 5 nhà tài trợ đầu tiên và phải mất thêm 5 năm nữa để đạt được con số 30 người tài trợ. Vì vậy, việc nhận được nhiều nhà tài trợ như vậy, những người thực sự làm nền tảng cho toàn bộ chuỗi giá trị, trong 4 tháng ngắn ngủi với GSF là điều đáng kinh ngạc.”.
Ninnes đồng ý: “Đây là một phản hồi khá ấn tượng. Nó cho thấy rằng có một khoảng cách rõ ràng trên thị trường … và bây giờ nó tùy thuộc vào quyết định của chúng ta.”
Ông nói thêm: “Phải thông qua sự tham gia và đóng góp của ngành thì sự kiện mới thành công. Đây là một diễn đàn để đối thoại, một diễn đàn để lãnh đạo cấp cao gặp gỡ và là một diễn đàn trung lập. Tôi nghĩ rằng tất cả những điều đó thực sự sẽ tạo nên một bầu không khí phù hợp cho các cuộc thảo luận trước khi bàn bạc về những thách thức mà ngành tôm phải đối mặt, và bằng cách nào đó, với những nỗ lực của tập thể, chúng ta có thể giải quyết những thách thức đó.”
Người nuôi tôm ở Việt Nam
Van der Pijl đồng ý với quan niệm trên và hy vọng rằng nó sẽ khuyến khích sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo trong ngành tôm.
Ông giải thích: “Ngành tôm rất khác so với các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khác. Nó bị chi phối bởi các yếu tố về cấp độ canh tác, chế biến và nhập khẩu. Ngành có quá nhiều thách thức lớn nhưng bất cứ ai cũng có thể đứng ra để giải quyết vấn đề – Tôi hy vọng rằng diễn đàn này sẽ tạo ra một nhóm lãnh đạo giúp tạo động lực, giải quyết một số vấn đề trong ngành và lan tỏa nhiều năng lượng tích cực.”
Ông cho biết thêm: “Trong khi 10 nhà sản xuất cá hồi hàng đầu chiếm 70% thị phần, thì ở tôm, 10 nhà sản xuất hàng đầu chiếm chưa đến 10% thị phần. Từ đó cho thấy tôm có nhiều thách thức lớn hơn so với cá hồi.”
Lund cho rằng diễn đàn phải là một nơi hiệu quả để chuyển giao công nghệ và kiến thức.
Ông cho biết: “Chúng tôi có thể là một nền tảng giúp mang lại bí quyết kỹ thuật và đổi mới về các khía cạnh như công nghệ số hóa và blockchain cho ngành tôm. Các nhà sản xuất nhỏ ở các nước đang phát triển cần mọi sự trợ giúp mà họ có thể nhận được.”
Ông cũng coi đây là cơ hội hiếm có để các đại biểu gặp gỡ các giám đốc điều hành thuộc nhiều lĩnh vực – bao gồm đổi mới, tài chính, chính sách và tính bền vững – cũng như trao đổi ý kiến trong thời điểm toàn cầu có nhiều biến động.
Nhà máy chế biến tôm ở Việt Nam
Ông giải thích: “Cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa các giám đốc điều hành hàng đầu là một trong những điểm mấu chốt quan trọng, vì nó mang lại cho họ cơ hội tìm hiểu những giám đốc khác đang nghĩ gì. Điều đó vô cùng quý giá và vô cùng quan trọng. Bằng cách tham dự GSF, bạn sẽ có được những hiểu biết sâu sắc về những phát triển quan trọng hình thành nên tương lai của ngành. Và bây giờ là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi – chúng tôi thực sự không thể biết khi những chi phí khổng lồ này tăng lên và lạm phát sẽ tác động đến chuỗi cung ứng, cụ thể là thức ăn chăn nuôi như thế nào.”
Bất chấp giá vé cho các đại biểu tham gia sự kiện có cao ngất ngưỡng, tổ chức GSF-Foundation được đăng ký là một tổ chức phi lợi nhuận và dự định sử dụng tất cả số tiền thu được từ sự kiện này để cải thiện sản lượng tôm toàn cầu.
Ninnes giải thích: “Chúng tôi muốn tái đầu tư trở lại lĩnh vực này để thúc đẩy việc sản xuất trở nên tốt hơn và mang lại hiệu quả hơn cho chuỗi cung ứng, đây chính là những thứ sẽ hỗ trợ lĩnh vực này trở nên rộng rãi.”
Tại sao lại là Utrecht?
Việc tổ chức một sự kiện tập trung về tôm ở một thành phố không giáp biển ở Hà Lan có vẻ không hợp lý, nhưng Van der Pijl cho biết rằng quê hương của ông có một số lợi thế.
Khảo sát một ao nuôi tôm ở Thái Lan
Ông nhận xét “Ở đây chúng tôi không có nhiều nước biển, nhưng chúng tôi có rất nhiều công ty và tổ chức liên quan đến tôm – trong thành phố, chúng tôi có Rabobank, AquaSpark và ASC. Ở Amersfoort, cách thành phố 20 phút, chúng tôi có Nutreco, Skretting và Hendrix Genetics. Ngay bên kia biên giới – Bỉ, có Moana Technologies và HQ INVE, và ít nhất 12 nhà nhập khẩu tôm. Có rất nhiều công ty đang ở gần đó.”
“Điểm khác biệt là nếu tổ chức một hội nghị tôm ở châu Á, người Nam Mỹ có thể không đến. Nếu tổ chức ở Nam Mỹ, người châu Á có thể không đến. Tuy nhiên, nếu tổ chức ở Utrecht, Amsterdam có thể đến bằng các chuyến bay trực tiếp từ hầu hết các thủ đô lớn ở châu Á và Nam Mỹ, và Utrecht chỉ cách Sân bay Schiphol 30 phút đi tàu, vì vậy tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được.” – ông nói thêm.
Tương lai của ngành tôm
Sự kiện này có khả năng cung cấp một loạt các thông tin chi tiết về cách ngành tôm có khả năng phát triển, nhiều trong số đó có liên quan đến các xu hướng chung mà bất kỳ ai quan tâm đến sự phát triển của ngành cũng cần lưu ý.
Trang trại nuôi tôm ở Đông Nam Á
Van der Pijl dự đoán: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy mức độ hợp nhất cao – đặc biệt là các nhà sản xuất và chế biến, vì các công ty lớn hơn sẽ có mức hiệu quả cần thiết để duy trì tính cạnh tranh và sẽ từ từ tiếp quản các trang trại nhỏ không còn khả năng cạnh tranh này. Hoặc họ sẽ cố gắng đưa những trang trại nhỏ hơn này vào chuỗi cung ứng của mình, cung cấp cho những người nông dân có nhu cầu để duy trì tính cạnh tranh.”
Ông nói thêm: “Tôi kỳ vọng rằng những người hợp nhất không chỉ là bộ phận xử lý mà còn là các công ty công nghệ – như eFishery, XpertSea và Aquaconnect – những người tích cực tập trung vào việc cố gắng cung cấp cho các hộ nuôi có quy mô nhỏ những gì họ cần để duy trì hoạt động kinh doanh và duy trì khả năng cạnh tranh. Theo một cách nào đó, đây cũng là sự hợp nhất. Nó phải xảy ra và đang xảy ra. Bạn sẽ thấy các mối quan hệ ngày càng găn kết giữa các công ty công nghệ, các nhà sản xuất lớn và các công ty thức ăn chăn nuôi. Sự hợp nhất đang diễn ra khi chúng tôi thảo luận.”
“Ở nhiều quốc gia, việc hợp nhất ở cấp độ canh tác bị hạn chế bởi quyền sở hữu đất đai. Nhưng tôi nghĩ rằng các nông hộ nhỏ sẽ ngày càng trở thành một phần của chuỗi cung ứng tích hợp của các công ty công nghệ hoặc nhà chế biến.” – Van der Pijl tiếp tục.
Trong khi đó, Ninnes dự đoán sẽ có các xu hướng tương tự ở các bộ phận khác của ngành.
Ông nói: “Chúng ta có thể cũng sẽ thấy sự hợp nhất giữa các nhà cung cấp công nghệ – có sự gia tăng của các ưu đãi rất giống nhau trong và xung quanh đổi mới kỹ thuật và tôi nghĩ rằng chúng ta cũng sẽ thấy sự hợp nhất ở đó. Rất khó cho các nhà sản xuất nhỏ hơn dựa vào công nghệ nếu nó đến từ 6 nhà cung cấp khác nhau.”
Nếu bạn có thể giải quyết một thách thức?
Cuối cùng, chúng tôi đã hỏi các nhà tổ chức về thách thức mà ngành tôm mà họ muốn vượt qua nhất – có thể là thông qua diễn đàn hoặc cách khác.
Van der Pijl nói: “Tôi đã làm việc hơn 10 năm trong ngành tôm và đã gặp rất nhiều người tài giỏi sẵn sàng thay đổi ngành. Nó thường được coi là một lĩnh vực “bảo thủ”, bị chi phối bởi các doanh nghiệp do gia đình điều hành, nhưng thế hệ doanh nhân tiếp theo – cả trên phương diện sản xuất và thị trường – đang thay đổi động lực của lĩnh vực này. Và tôi mong muốn sử dụng Diễn đàn Tôm Toàn cầu có thể tạo thêm động lực và kết nối tất cả những tâm hồn sáng suốt này, những người muốn thay đổi ngành theo hướng tích cực.”
Ninnes kết luận: “Tôi muốn nhìn thấy việc sản xuất tôm có thể giảm được rủi ro. Một trong những rủi ro lớn của ngành là dịch bệnh và sự biến động mà dịch bệnh gây ra – không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng sản xuất, mà còn biến động về giá cả. Sự biến động đặt ra những căng thẳng đối với các thỏa thuận tài chính xung quanh sản xuất và mức độ bảo hiểm của các trang trại. Bạn cần kiểm soát nó để mang lại một số dịch vụ hỗ trợ có thể cung cấp mạng lưới an toàn cho người nông dân. Họ chỉ có mặt ở đó khi các nhà sản xuất và cơ quan quản lý có thể chứng minh khả năng kiểm soát tốt hơn để giảm các vấn đề về dịch bệnh.”
Theo The Fish Site
Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital
Xem thêm:
- Axit Hữu Cơ Và Muối Vi Nang Có Lợi Trong Sản Xuất Tôm Thẻ Chân Trắng
- Việt Nam Thử Sức Với Việc Nuôi Tôm Bằng Công Nghệ Semi Biofloc
- Cắt Mắt Và Phúc Lợi Của Tôm