Những Sự Thật Và Lầm Tưởng Về Dòng Tôm SPF Trong Nuôi Trồng Thủy Sản (Phần 1)

Tóm tắt

Vào cuối những năm 1980, các chương trình thuần hóa và cải thiện gen di truyền ở tôm bắt đầu thực hiện tại Hoa Kỳ, dưới tên gọi Chương trình Nuôi tôm Biển ở Hoa Kỳ (USMSFP), sử dụng nguồn tôm chính là tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei. Chương trình này dựa trên các khái niệm đã được định nghĩa từ ngành chăn nuôi gia súc và gia cầm, bắt đầu với việc thiết lập định nghĩa “tôm sạch bệnh” (SPF). Nguồn tôm thu được bằng cách sàng lọc tôm hoang dã một cách nghiêm ngặt để chọn ra những cá thể tôm không có mầm bệnh. Mặc dù khái niệm về tôm SPF đã được định nghĩa rõ ràng đối với động vật trên cạn, nhưng nó còn tương đối mới đối với ngành nuôi trồng thủy sản và phải mất một khoảng thời gian để ngành nuôi trồng thủy sản có thể chấp nhận định nghĩa này. Vào đầu những năm 1990, song song với chương trình USMSFP, một số chương trình khác về cải thiện gen di truyền ở tôm cũng được khởi xướng ở Mỹ Latinh. Sau đó, một số thuật ngữ mới bao gồm “tôm kháng bệnh cụ thể” (SPR), “tôm chịu được mầm bệnh cụ thể” (SPT) và “tôm phơi nhiễm với tất cả mầm bệnh” (APE), đã đi vào từ điển của ngành nuôi tôm. Điều này dẫn đến sự nhầm lẫn trong ngành công nghiệp tôm về ý nghĩa, mối quan hệ và tầm quan trọng của các thuật ngữ mới này đối với tôm SPF. Bài báo này làm rõ những khái niệm nói trên, cung cấp các định nghĩa dựa trên cơ sở khoa học, khẳng định lại tầm quan trọng của việc phát triển, duy trì và sử dụng nguồn tôm gia hóa, sạch bệnh (SPF) (hoặc có thể đạt được trạng thái SPR và / hoặc SPT) để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tăng sản lượng và lợi nhuận. Các nguyên tắc để phát triển tôm gia hóa (SPF) cũng sẽ được áp dụng cho các loài khác trong nuôi trồng thủy sản. Bài báo cũng thảo luận về những khó khăn trong việc xác nhận và chứng nhận tình trạng SPF do sự hiện diện của virus nội sinh (EVE). Ngoài ra, cũng cần có các hướng dẫn kỹ thuật dựa trên bằng chứng khoa học để sản xuất tôm khỏe mạnh.

Từ khóa: Nuôi trồng thủy sản, Dịch bệnh, Tôm, SPF, SPR, SPT

Giới thiệu

Các khái niệm về giống, công nghệ tạo giống và quản lý giống sạch bệnh (SPF) ở động vật chủ yếu phát triển ở Tây bán cầu (Hoa Kỳ và Châu Âu). Nó có nguồn gốc từ đầu những năm 1940 và nằm trong phạm vi về thuốc động vật trong phòng thí nghiệm. Cụ thể, tạo trứng gà SPF dung để nuôi và nhân giống các sinh vật sống nhằm sản xuất vắc-xin (theo Luginbuhl, 2000). Khoảng 30–40 năm sau, công nghệ SPF đã được thông qua, phát triển và áp dụng cho gia cầm thương phẩm. Đến những năm 1960, công nghệ SPF được mở rộng cho lợn và các hệ thống chăn nuôi khác. Nó cũng được sử dụng trong các ứng dụng thú y để sản xuất và duy trì các nguồn động vật lai tạo về mặt di truyền và tiêu chuẩn hóa để dùng làm “chuột bạch” cho nghiên cứu y tế và thú y.

Năm 1984, Chương trình Nuôi tôm Biển ở Hoa Kỳ (USMSFP) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) được thành lập, bao gồm một số tổ chức ở các bang khác nhau của Hoa Kỳ với mục tiêu tăng sản lượng tôm biển địa phương và giảm sự phụ thuộc về nhập khẩu. Sau khi chương trình chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đã có một sự thay đổi về mô hình để hướng tới việc thiết kế, phát triển và thực hiện chương trình tích hợp quản lý sức khỏe con giống và bệnh truyền nhiễm SPF, sau đó sẽ được áp dụng cho tất cả các cơ sở tham gia USMSFP và cuối cùng được thương mại hóa trong ngành nuôi tôm ở Hoa Kỳ. Do đó, vào năm 1989, chương trình thương mại đầu tiên để thuần hóa và cải thiện gen di truyền của tôm He đã được khởi xướng theo chương trình USMSFP, sử dụng tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) làm nguồn tôm chính (theo Lotz, 1992; Wyban và cộng sự, 1992; Lotz và cộng sự, 1995; Moss, 2002; Moss và cộng sự, 2012; # 8697). Mục tiêu chính của chương trình là sản xuất tôm bố mẹ, sạch bệnh, và những dòng tôm bố mẹ này có thể được lai tạo và sản xuất hậu ấu trùng được nuôi trong các cơ sở hoặc hệ thống sản xuất an toàn sinh học, nhằm giảm tỷ lệ chết và tăng sản lượng (theo Moss, 2002; Lightner, 2011).

Về cơ bản, chương trình USMSFP đã áp dụng các khái niệm chọn giống và chọn lọc từ ngành chăn nuôi gia súc và gia cầm để thiết lập nguồn tôm sạch bệnh (SPF), có sức khỏe cao và hậu ấu trùng được cải thiện về mặt di truyền (theo Gjedrem & Fimland, 1995). Các nguồn tôm được thu thập bằng cách sàng lọc nguồn tôm hoang dã một cách nghiêm ngặt để lựa chọn các cá thể tự nhiên không có trong danh sách các mầm bệnh hoặc có bệnh nhưng dễ phát hiện và có thể loại trừ mầm bệnh vĩnh viễn trong điều kiện kiểm dịch nghiêm ngặt của trung tâm nhân giống (NBC). Những con giống này sau đó có thể được áp dụng chương trình thuần hóa và cải thiện di truyền, trong đó các họ tôm có hoạt động tốt hơn từ mỗi thế hệ sẽ được sử dụng để sản xuất hậu ấu trùng nhằm trở thành tôm bố mẹ SPF trong một trung tâm nhân giống tôm bố mẹ an toàn sinh học (BMC). Tôm bố mẹ sẽ được cung cấp cho các trại sản xuất giống thương mại, nơi sản xuất hậu ấu trùng để người nuôi thả trong ao.

Song song đó, một số chương trình nhân giống và chọn lọc đã được thực hiện với tôm thẻ P. vannamei ở Châu Mỹ Latinh. Ở Venezuela, một chương trình chọn lọc hàng loạt đã bắt đầu thực hiện vào năm 1990 để chọn ra tôm thích nghi tốt với điều kiện nuôi tại địa phương (theo De Donato và cộng sự 2005). Tương tự, các nhà sản xuất thương mại ở Colombia đã chọn lọc hàng loạt tôm kháng TSV vào đầu những năm 1990. Các chương trình này sau đó đã phát triển thành các chương trình nhân giống chọn lọc các họ một cách hoàn chỉnh, giúp cải thiện một số quần thể cho ngành công nghiệp ở địa phương (theo Cock và cộng sự, 2009). Quan điểm của các chương trình nhân giống ở Mỹ Latinh là các quần thể phải thích nghi tốt với điều kiện nuôi ở địa phương và phải có khả năng kháng hoặc thích nghi với các mầm bệnh phổ biến trong khu vực. Do đó, vào những năm 1990, sự đối lập giữa các phương pháp nhân giống đã xuất hiện. Chương trình USMSFP sử dụng các quần thể được chọn lọc, duy trì và nhân giống trong điều kiện cơ bản, sạch bệnh theo tiêu chuẩn SPF, trong khi các chương trình khác sử dụng các quần thể được chọn lọc trong điều kiện có nhiều tác động của các mầm bệnh phổ biến trong sản xuất thương mại.

Mặc dù khái niệm về SPF đã được định nghĩa rõ ràng đối với động vật trên cạn được nuôi riêng biệt, nhưng nó tương đối mới đối với ngành nuôi trồng thủy sản, bởi vì rất khó để nuôi riêng biệt các động vật sống dưới nước. Động lực chính để áp dụng rộng rãi nguồn tôm SPF là sự xuất hiện và lây lan của bệnh đốm trắng (WSD trên tôm do virus hội chứng đốm trắng (WSSV) gây ra vào giữa những năm 1990 (theo Flegel & AldaySanz, 1998). Vào thời điểm đó, tôm sú Penaeus monodon là loài tôm nuôi chính ở châu Á, và người ta đã nhận thấy rằng nguyên nhân WSSV xuất hiện trong các ao nuôi thương phẩm là do tôm post bị nhiễm bệnh, tức là nguồn tôm bố mẹ đã bị nhiễm WSSV (theo Withyachumnarnkul, 1999) và việc giám sát bằng xét nghiệm PCR không đủ hiệu quả để có thể giảm thiểu tỷ lệ WSSV ở tôm post xuống mức có thể chấp nhận được (theo Withyachumnarnkul và cộng sự, 2003). Theo Briggs (2005), nguyên nhân chính dẫn đến việc nhập khẩu tôm thẻ chân trắng P. vannamei từ châu Á là do nhận thấy năng suất kém, tốc độ tăng trưởng chậm và đặc tính dễ nhiễm bệnh của các loài tôm bản địa – P. chinensis ở Trung Quốc và tôm sú P. monodon ở các nơi khác. Khi nguồn tôm bố mẹ bị nhiễm bệnh sẽ truyền mầm bệnh cho con cái của chúng. Do sự sẵn có của nguồn tôm thẻ chân trắng P. vannamei cùng với các biện pháp an toàn sinh học loại trừ mầm bệnh hiệu quả và nhanh chóng, đã đưa nó trở thành loài tôm nuôi chiếm ưu thế nhất ở châu Á (theo Wyban, 2007).

Việc sử dụng nguồn tôm thẻ chân trắng P. vannamei được thuần hóa và cải tiến về mặt di truyền để tạo ra nguồn tôm giống khỏe mạnh cho nông dân thả nuôi trong ao của họ đã mang lại nhiều lợi ích, do đó thuật ngữ SPF ở châu Á bắt đầu hướng đến các nguồn giống có khả năng thích nghi hoặc kháng bệnh cao hơn. Tuy nhiên, ở Châu Mỹ Latinh, tôm SPF lại được thả nuôi trong các ao không có an toàn sinh học và loại trừ mầm bệnh, dẫn đến hiện tượng tôm chết hàng loạt và gieo vào đầu người nông dân với suy nghĩ rằng trạng thái SPF làm tôm có khả năng nhiễm bệnh cao hơn. Tuy nhiên, điều này là không đúng. SPF chỉ cho biết tình trạng sạch mầm bệnh chứ không đề cập đến khả năng kháng bệnh hoặc thích nghi với mầm bệnh.

Các nhận định khác nhau này đã dẫn đến sự ra đời của các thuật ngữ mới như giống kháng mầm bệnh cụ thể (SPR) và giống thích nghi với mầm bệnh cụ thể (SPT). Ngoài ra, nó cũng dẫn đến sự nhầm lẫn trong ngành công nghiệp tôm về ý nghĩa, mối quan hệ và tầm quan trọng của các thuật ngữ mới này đối với SPF. Mặc dù những nhận thức sai lầm về SPF và SPR đã được thừa nhận (theo Briggs và cộng sự, 2004), nhưng nhu cầu quan trọng của nguồn tôm gia hóa SPF, và việc SPF được xem như một công nghệ mới hỗ trợ cho việc nuôi tôm bền vững đã được nhấn mạnh trong Hội nghị Toàn cầu về Nuôi trồng Thủy sản năm 2010 (theo Browdy và cộng sự, 2012; Hine và cộng sự, 2012).

Mục tiêu của bài nghiên cứu này là làm rõ các khái niệm và thuật ngữ nói trên, đồng thời khẳng định lại tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển và duy trì nguồn tôm gia hóa, khỏe mạnh, sạch bệnh, đem lại một ngành nuôi tôm bền vững và nhiều lợi nhuận. Bài báo này phản ánh kết quả cuộc họp của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 5 năm 2016 tại Bangkok, Thái Lan.

Các định nghĩa chính

Đối với tình trạng của mầm bệnh, thuật ngữ kỹ thuật duy nhất được sử dụng cho động vật trên cạn là nguồn giống sạch bệnh (SPF). SPF có thể được áp dụng cho tất cả các loài động vật (động vật trên cạn hoặc các loài động vật khác). Tuy nhiên, trong suốt 2 thập kỷ qua, một số thuật ngữ khác trong ngành tôm đã được đề xuất mà không có “định nghĩa thống nhất”. Do đó, bài báo này đề xuất các định nghĩa chính xác về mặt khoa học cho các thuật ngữ mới để sử dụng trong ngành nuôi tôm và áp dụng cho các loài nuôi trồng thủy sản khác.

Nhìn chung, vẫn chưa thể hiểu rõ sự tương tác giữa tôm với mầm bệnh. Tôm không tạo ra kháng thể giống như động vật có xương sống (theo Cerenius và cộng sự, 2010; Wang và cộng sự, 2014; Tassanakajon và cộng sự, 2018) và người ta đã biết rằng những con tôm sống sót sau các đợt bùng phát dịch bệnh do một loại virus gây chết tôm gây ra vẫn có thể nhiễm virus đó với một mức độ thấp cho đến chết, mà không hề có bất kỳ dấu hiệu bệnh tổng thể nào. Do đó, ở trạng thái này, chúng có khả năng truyền mầm bệnh cho con cái của chúng. Ngoài ra, chúng cũng có thể phát triển thành bệnh do tác động của môi trường hoặc các tác nhân gây căng thẳng khác. Khả năng thích nghi với các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trong một thời gian dài mà không có dấu hiệu của bệnh có thể được xem là sự thích nghi của virus (theo Flegel, 2007, 2009; Utari và cộng sự, 2017), nhưng cơ chế của nó vẫn chưa rõ ràng. Nguồn tôm có khả năng thích nghi với TSV mà không bị nhiễm TSV đã được phát triển bằng cách áp dụng phương pháp chọn lọc di truyền (theo Moss và cộng sự, 2005; Cock và cộng sự, 2017). Khi những con giống này được cảm nhiễm với các chủng TSV phân lập có khả năng gây chết tôm, tôm sẽ bị nhiễm bệnh nhưng không có dấu hiệu bệnh tổng quát. Mặc dù vậy, những con tôm này đã mang trong cơ thể chúng virus gây bệnh và có khả năng truyền virus này sang những con tôm dễ bị mắc bệnh. Do đó, những con tôm đang mang trong mình virus gây bệnh có thể không cho các dấu hiệu bệnh tổng quát (bao gồm cả tổn thương mô học) và cho kết quả âm tính với các phương pháp xét nghiệm có độ nhạy thấp. Điều này tạo ra một mối nguy hiểm trong quá trình vận chuyển tôm diện rộng (theo Flegel, 2006), và nó gây ảnh hưởng đến những nguồn tôm đang mang các thuật ngữ được định nghĩa dưới đây. Điều quan trọng là các thuật ngữ này cần phải được xác định và hiểu rõ ràng để tránh sự lẫn lộn trong nuôi tôm.

Nguồn giống không có mầm bệnh (PF) (Thuật ngữ mới)

Đây là những con giống không có mầm bệnh, bao gồm cả mầm bệnh đã được biết đến và chưa được biết đến. Bởi vì định nghĩa bao gồm “mầm bệnh chưa được biết đến”, do đó, PF không thể sử dụng để chỉ bất kỳ loài động vật thực tế nào. PF chỉ có thể được sử dụng cho các cuộc thảo luận trên lý thuyết. Điều này đặc biệt đúng đối với tôm do chúng có khả năng mang virus, kể cả những virus vẫn chưa được biết đến, trong thời gian dài mà không hề có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào.

Nguồn giống không có mầm bệnh cụ thể – Nguồn giống sạch bệnh (SPF) (Thuật ngữ đã được xác định và hiện đang được sử dụng)

Nguồn giống SPF phải đến từ một quần thể đã được xét nghiệm âm tính với các mầm bệnh cụ thể liên tục ít nhất 2 năm, được nuôi trong các cơ sở an toàn sinh học cao, tuân theo các biện pháp quản lý nghiêm ngặt và được nuôi bằng thức ăn an toàn sinh học. Để có thể duy trì và khẳng định tình trạng SPF, cần phải có chương trình giám sát phù hợp đối với các tác nhân gây bệnh cụ thể, bao gồm cả các phương pháp phân tử và mô bệnh học.

Như đã được đề cập trước đó, con giống SPF không nhất thiết phải sạch hết tất cả các mầm bệnh. Vì vậy, các động vật được tuyên bố là sạch bệnh luôn có một danh sách các mầm bệnh đi kèm. Trạng thái SPF không chỉ liên quan các mầm bệnh được liệt kê trong OIE, mà còn liên quan đến tác nhân gây bệnh khác được đề xuất bởi các nhà sản xuất giống SPF. Bất kỳ con tôm giống nào được công bố là SPF, thì ít nhất phải không có các mầm bệnh được liệt kê trong Code and Manual của OIE (theo Anonymous, 2017, 2018) bao gồm: Các chủng vi khuẩn Vibrio gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), nhiễm vi khuẩn Hepatobacter penaei gây ra bệnh hoại tử gan tụy (NHP), virus gây hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV), virus gây hoại tử cơ (IMNV), virus gây hội chứng Taura (TSV), virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) và virus gây bệnh đầu vàng (YHV).

Cho đến nay, một số mầm bệnh đã biết khác có thể được loại trừ trong chương trình tôm SPF sẽ là: bệnh còi ở tôm sú (MBV) do virus đa diện có nhân Baculovirus penaei (BP) gây ra, bệnh gan tụy (HPV), bệnh vi bào tử trùng (EHP), bệnh đục cơ ở tôm thẻ chân trắng P. vannamei do nodeavirus gây ra (PvNv), bệnh chậm lớn ở tôm sú (MSGS) do virus Laem Singh (LSNV) gây ra, và các ký sinh trùng gây bệnh như microsporidia và gregarines.

Danh sách các mầm bệnh về SPF phải linh động và được cập nhật thường xuyên. Cần lưu ý rằng động vật ở trạng thái SPF (bao gồm cả tôm) không nhất thiết là dễ bị nhiễm bệnh hơn so với động vật không ở trạng thái SPF. SPF cũng không có khả năng kháng hoặc thích nghi với bất kỳ mầm bệnh nào. Nó chỉ đề cập đến tình trạng sức khỏe của con giống.

Hiện tại, có hai cách để tạo nguồn tôm SPF. Đầu tiên (ví dụ như sử dụng chương trình USMSFP) là tìm một khu vực mà không có các mầm bệnh chính trên tôm hoặc có nhưng với tỷ lệ thấp. Sau đó sẽ bắt và lựa chọn các cá thể không có các mầm bệnh trong danh sách, việc xét nghiệm mầm bệnh phải được thực hiện liên tục ít nhất 2 năm. Con giống được tạo ra theo cách này được gọi là “giống SPF tự nhiên”. Cách hai là chọn khu vực nuôi tôm có các mầm bệnh chính trên tôm như WSSV, TSV và IHHNV. Sau đó sử dụng quy trình sàng lọc liên tục để chọn những cá thể không nhiễm các mầm bệnh trong danh sách các mầm bệnh cụ thể, việc xét nghiệm cũng phải được thực hiện liên tục ít nhất 2 năm. Con giống được tạo ra theo cách này được gọi là “giống SPF sạch bệnh”. Tôm thẻ P. vannamei SPF đã được sản xuất thành công (theo Alday-Sanz, 2018). Rõ ràng, việc không tiếp xúc trước với mầm bệnh làm cho việc phát triển một “nguồn SPF tự nhiên” trở nên dễ dàng thực hiện hơn, nhưng sẽ khó khăn hơn trong việc lựa chọn các yếu tố di truyền để kháng hoặc thích nghi với mầm bệnh về sau này. Ngược lại, việc phát triển một “nguồn SPF sạch bệnh” có thể khó thực hiện hơn, nhưng bù lại việc lựa chọn các yếu tố di truyền sau này để kháng hoặc thích với mầm bệnh sẽ dễ dàng hơn do chúng đã tiếp xúc với các mầm bệnh trước đó.

Các khái niệm về khả năng kháng và thích nghi với các mầm bệnh có một ý nghĩa khác khi được nghiên cứu từ quan điểm di truyền hoặc quan điểm vệ sinh phòng bệnh. Đối với các nhà di truyền học, khả năng kháng bệnh được định nghĩa là khả năng hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh ở động vật, trong khi khả năng thích nghi với mầm bệnh được định nghĩa là khả năng hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh (theo Raberg và cộng sự, 2007). Tuy nhiên, sự rõ ràng của các định nghĩa này còn mơ hồ khi phân tích từ góc độ của quan điểm vệ sinh phòng bệnh, vì kết quả xét nghiệm cho thấy mầm bệnh không liên quan hoàn toàn đến đặc điểm di truyền của động vật. Theo Snieszko (1974), trạng thái của bệnh phát sinh từ sự tương tác của vật chủ (di truyền), tác nhân gây bệnh và các yếu tố môi trường. Vì vậy, theo quan điểm vệ sinh phòng bệnh, khả năng kháng bệnh là khả năng không bị nhiễm bệnh (tính trạng chất lượng), trong khi khả năng thích nghi với mầm bệnh là khả năng làm giảm sự biểu hiện của bệnh (tính trạng số lượng).

Nguồn giống kháng bệnh (SPR) (Thuật ngữ mới)

Đây là những nguồn giống có khả năng kháng bệnh mà không có dấu hiệu của bệnh, ngay cả khi đã cãm nhiễm với liều lượng có thể gây chết hoặc với nhiều mầm bệnh cụ thể. Khả năng kháng bệnh có thể là đặc hiệu đối với các mầm bệnh hoặc các chủng của chúng. Tuy nhiên, một số loài có thể biểu hiện khả năng kháng bệnh với nhiều mầm bệnh, trong khi những mầm bệnh này lại dễ lây nhiễm đối với các loài khác. Không giống như SPF, SPR không đề cập đến tình trạng sức khỏe của tôm mà đề cập đến đặc điểm di truyền của nó (tức là tình trạng di truyền của nó). Thật vậy, khi một nguồn giống không phải SPF được quảng cáo là SPR đối một mầm bệnh, nó có thể bị nhiễm một hoặc nhiều mầm bệnh khác. Ngày nay, quần thể tôm sú P. monodon SPR đối với WSSV đã được phát triển bắt đầu từ các đột biến kháng các mầm bệnh trong tự nhiên (theo G. Lo).

Nguồn giống có khả năng thích nghi với mầm bệnh (SPT) (Thuật ngữ mới)

Đây là những nguồn giống dễ bị lây nhiễm bởi một mầm bệnh cụ thể nhưng thường không có các dấu hiệu bệnh rõ ràng, tức là chúng có khả năng thích nghi với bệnh một cách định lượng tùy thuộc vào di truyền, chủng mầm bệnh và điều kiện môi trường ảnh hưởng đến bệnh. Khả năng thích nghi có thể cụ thể đối với từng mầm bệnh, chủng mầm bệnh hoặc một nhóm mầm bệnh. Tuy nhiên, những con giống không có SPF nhưng có tình trạng SPT có thể nhạy cảm, bị nhiễm bệnh và biểu hiện bệnh lâm sàng với các mầm bệnh khác. Ngoài ra, nếu chúng không phải là SPF đối với các mầm bệnh mà chúng cảm nhiễm, chúng có thể mang mầm bệnh và có khả năng truyền mầm bệnh sang con cái của chúng. Giống như SPR, SPT không đề cập đến tình trạng sức khỏe của động vật mà đề cập đến các đặc điểm di truyền của nó.

Sự kết hợp giữa SPF và SPR hoặc SPT (Thuật ngữ mới)

Mặc dù SPF đề cập đến tình trạng sức khỏe của động vật (được nuôi 2 năm tại cơ sở an toàn sinh học để được xác nhận là sạch bệnh), nhưng có thể tốt hơn nếu kết hợp tình trạng sức khỏe với tình trạng di truyền như, tức là SPF + SPR, hoặc SPF + SPT, hoặc SPF + SPT + SPR. Nói cách khác, một nguồn giống SPF dựa trên tình trạng sức khỏe có thể phải trải qua một chương trình chọn lọc di truyền nữa để xác định và chọn lọc các thuộc tính di truyền trong quần thể, từ đó chúng có thể có khả năng kháng bệnh hoặc khả năng thích nghi với một hoặc nhiều mầm bệnh hơn. Tuy nhiên, để đạt được trạng thái kết hợp như vậy phải dựa trên các biện pháp an toàn sinh học.

Nguồn tôm được chọn lọc thông qua khả năng sống sót (USS), không đặc trưng (Thuật ngữ mới)

Đây là những nguồn giống được sản xuất bằng cách chọn lọc những con sống sót (dựa trên kích thước, ngoại hình và sức khỏe tổng thể) từ các thế hệ sau, và được nuôi trong điều kiện không an toàn sinh học với sự hiện diện của một số mầm bệnh đã biết hoặc chưa biết. Những nguồn giống này trước đây thường được gọi là những nguồn giống “phơi nhiễm với tất cả mầm bệnh” (APE). Tuy nhiên, “tất cả” mầm bệnh không xuất hiện ở mọi khu vực và không phải lúc nào cũng có ở mọi ao nuôi. Do đó, việc phát triển một nguồn giống phơi nhiễm với “tất cả” các mầm bệnh đã biết hoặc chưa biết là điều không thể, và việc chỉ định “giống APE” là không thể về mặt kỹ thuật và khoa học. Vì những lý do trên, thuật ngữ “giống APE” không được chấp nhận trong ngành công nghiệp tôm. Từ đó, chúng tôi đề xuất rằng thuật ngữ “giống APE” nên được thay thế bằng “giống USS”. Điều quan trọng cần hiểu là mặc dù nguồn giống USS có thể trông hoàn toàn bình thường, nhưng chúng có thể bị nhiễm mầm bệnh và có thể lây nhiễm mầm bệnh sang các loài động vật khác, trừ khi chúng được chứng minh là sạch bệnh bằng cách kiểm tra xét nghiệm âm tính trong thời gian ít nhất 2 năm liên tục (nghĩa là đã được chuyển sang “trạng thái SPF sạch bệnh” như đã được mô tả ở trên). Từ những định nghĩa này, rõ ràng là nguồn tôm USS có rủi ro cao hơn so với nguồn tôm SPF đối với việc vận chuyển xuyên biên giới.

Nguồn giống có sức khỏe tốt (HH) (Thuật ngữ mới)

Đây là một thuật ngữ thương mại thường xuyên được sử dụng nhưng không được định nghĩa rõ ràng. Nó thường đề cập đến thế hệ con cháu của con giống SPF. Vì không nêu rõ tác nhân gây bệnh, di truyền, biểu sinh hoặc điều kiện nuôi, nên việc sử dụng thuật ngữ “giống HH” còn bị hạn chế trong việc mô tả đặc điểm của con giống.

Lưu ý, các định nghĩa được nêu ở trên chỉ áp dụng cho tình trạng sức khoẻ và đặc điểm di truyền của nguồn giống đối với tác nhân gây bệnh. Điều quan trọng là cần phải hiểu là chúng không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về tốc độ tăng trưởng hoặc về cách mà con giống sẽ phản ứng với những thay đổi di truyền của mầm bệnh cũng như những thay đổi của điều kiện môi trường ngoài phạm vi mà con giống được phát triển và thử nghiệm.

Theo: Victoria Alday-Sanz, James Brock, Timothy W. Flegel, Robins McIntosh, Melba Bondad-Reantaso, Marcela Salazar và Rohana Subasinghe

Nguồn: https://www.fao.org/fileadmin/user_upload/COFI/VirtualDialoguesCOFI34/12_Alday-Sanz_et_al-2018-FactsTruthMythsAboutSPFReviews_in_Aquaculture.pdf

Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital

Xem thêm:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You cannot copy content of this page