Chuẩn Bị Trại Nuôi Tôm Vào Mùa Mưa

Khi ngành nuôi tôm trên toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản của Alune đã đưa ra lời khuyên cho nông dân về cách mà họ có thể chuẩn bị mùa vụ trong mùa mưa và giữ cho ao nuôi khỏe mạnh.

Mưa được xem là một trong những thách thức lớn đối với ngành nuôi tôm trên toàn thế giới. Khi mùa mưa đến, sản lượng tôm tự nhiên sẽ giảm. Điều này phản ánh những thách thức về việc quản lý mà lượng mưa mang lại cho chu kỳ nuôi tôm. Mặc dù cách mà người nuôi tôm quản lý lượng mưa hàng năm không để lại nhiều hậu quả, nhưng sẽ tốt hơn nếu có một đội ngũ được đào tạo bài bản về các quy trình vận hành tiêu chuẩn chất lượng (SOP) để ứng phó với tác động của mưa.

Lượng mưa có thể làm thay đổi điều kiện ao nuôi một cách nhanh chóng và gây ra một chuỗi các sự kiện liên quan đến việc chất lượng nước có thể đạt dưới mức tối ưu và tôm phát triển kém. Điều quan trọng là phải hiểu những gì đang xảy ra ở các trang trại nuôi tôm trong mùa mưa, những gì cần chuẩn bị và phải làm thế nào để ứng phó các vấn đề có thể xảy ra đó.

Điều gì sẽ xảy ra với các ao nuôi tôm trong mùa mưa bão

Khi mùa mưa đến thường kéo theo sự giảm nhiệt độ, thường là khoảng 5 đến 6°C, nhưng nó có thể thay đổi tùy theo các điều kiện khí quyển khác nhau. Việc hấp thụ thức ăn của tôm phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt độ, nên khi nhiệt độ nước ao giảm 1°C có thể dẫn đến việc tiêu thụ thức ăn của tôm giảm từ 5% đến 10%.

 

Sự biến động trong nhiệt độ ao nuôi cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên hệ số tiêu thụ thức ăn

Sự biến động trong nhiệt độ ao nuôi cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên hệ số tiêu thụ thức ăn

Nước mưa cũng sẽ làm thay đổi các thông số nước quan trọng khác do nước ao bị pha loãng với nước ngọt. Đây là nguyên nhân làm cho độ pH giảm và dẫn đến sự thay đổi về độ mặn, cũng như độ kiềm tùy thuộc vào khối lượng nước mưa và các phương thức quản lý ao hiện có. Các hoạt động của thực vật phù du và vi khuẩn có lợi sẽ bị đảo lộn khi độ pH và độ kiềm giảm. Ngoài ra, việc thiếu các khoáng chất cần thiết cũng có thể làm cho vỏ tôm bị yếu đi.

Việc thiếu ánh sáng mặt trời trong những trận mưa rào cũng có thể làm chậm hoạt động của thực vật phù du. Quá trình quang hợp của thực vật phù du (sinh vật tự dưỡng) trong nước có thể bị gián đoạn do ánh sáng yếu. Thêm vào đó, việc ánh sáng yếu đi cũng làm giảm nồng độ oxy hòa tan (DO). Nói chung, các vấn đề như độ pH thấp, nồng độ khoáng chất giảm, nồng độ DO giảm và ánh sáng mặt trời yếu sau khi mưa lớn có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến sinh vật phù du và vi tảo. Nếu điều này xảy ra, thực vật phù du và vi tảo sẽ chết, dẫn đến việc tăng tải trọng hữu cơ trong ao và làm suy giảm chất lượng nước tổng thể.

Khi tải trọng hữu cơ tăng lên, vi khuẩn dị dưỡng hỗ trợ quá trình phân hủy sẽ sinh sôi nảy nở và khai thác vị trí này. Khi các sinh vật dị dưỡng nhân lên, nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) có thể tăng lên đáng kể. Nếu người nuôi không hành động vào thời điểm này, mức DO có thể giảm hơn nữa.

Những điều kiện bất lợi này có thể làm chậm sự phát triển của tôm. Hiện tượng lột xác ở tôm có thể xảy ra khi thiếu các khoáng chất cần thiết, dẫn đến phản ứng miễn dịch ở tôm yếu hơn và làm cho vỏ tôm mềm. Trong trường hợp xấu nhất, tôm đã lột xác có thể chết trong vòng 2-3 ngày. Nhiệt độ môi trường nước, DO và pH thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Vibrio spp. phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cho tôm.

Các vấn đề liên quan đến việc sục khí không đủ hoặc không có sục khí, mức DO giảm và lượng chất hữu cơ ngày càng tăng trong các trang trại nuôi tôm quảng canh đối với ao đất, có thể kích thích việc sản sinh ra khí hydro sulfua (H2S). Đây là một loại khí độc do vi khuẩn khử sulphat sinh ra và có độc tính cao đối với tôm. Khí H2S chỉ an toàn ở mức 0.0087 ppm đối với tôm post L. vannamei và 0.0.185 ppm đối với con thẻ trưởng thành L. vannamei. Khi tiếp xúc với H2S, ngay cả khi chỉ trong một thời gian ngắn, tôm sẽ bị suy yếu đáng kể và dễ bị nhiễm các bệnh nhiễm trùng khác nhau. Lượng khí H2S cao có thể gây hiện tượng chết tôm hàng loạt.

Nên làm gì trong mùa mưa bão

Nếu người nuôi tôm hiểu được lượng mưa có thể ảnh hưởng xấu như thế nào đến các trang trại tôm nuôi – từ sự tích tụ chất hữu cơ dưới đáy ao, suy giảm chất lượng nước và tôm tăng trưởng chậm – họ sẽ có sự chuẩn bị và sẵn sàng đối phó với bất kỳ vấn đề nào có thể phát sinh. Sau đây là các khuyến cáo của Alune.

Về sự chuẩn bị

  • Theo dõi điều kiện thời tiết ở khu vực bằng cách thường xuyên nghe dự báo thời tiết
  • Đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sục khí và hệ thống điện đều hoạt động tốt
  • Đảm bảo rằng các trang trại nuôi đều có ống thoát nước cho phép nước bề mặt được thải ra ngoài đúng cách
  • Có thể chuẩn bị sẵn máy phát điện để đề phòng trường hợp mất điện do mưa lớn

Kiểm soát thiết bị sục khí để duy trì chất lượng nước và sức khỏe tôm

Biện pháp đối phó khi trời mưa

  • Đảm bảo tất cả các thiết bị sục khí hoạt động bình thường để duy trì mức DO có thể chấp nhận được, mức lý tưởng là trên 5 ppm
  • Hãy xả bớt nước bề mặt để ngăn độ mặn giảm đáng kể (nếu có thể)
  • Theo dõi các thông số chất lượng nước quan trọng thường xuyên như DO, pH và độ kiềm
  • Tăng độ kiềm bằng cách sử dụng CaO, CaCO3 hoặc CaMg (CO3)2 hoặc cách xử lý khác
  • Giảm tỷ lệ cho ăn và theo dõi điều kiện ao nuôi. Điều chỉnh tỷ lệ cho ăn sao cho phù hợp

Biện pháp xử lí sau mưa

  • Đảm bảo rằng việc sục khí luôn được duy trì
  • Tùy thuộc vào tình trạng nước của ao nuôi mà thêm lượng nước biển mới đã qua xử lý vào khi độ mặn giảm xuống dưới mức tối ưu
  • Sử dụng chế phẩm sinh học để tăng tốc độ phân hủy và nitrat hóa. Điều này cũng sẽ ức chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh
  • Tăng tỷ lệ cho ăn phù hợp với các thông số chính như nhiệt độ, pH và DO
  • Lấy mẫu ao để ước tính số lượng tôm và nhằm phát hiện sớm bất kỳ hiện tượng tôm chết nào
  • Dùng khoáng chất để trung hòa lại nguồn nước nuôi bị pha loãng do mưa
  • Kiểm tra các mẫu nước lấy ở gần đáy ao để theo dõi số lượng vi khuẩn. Sử dụng đĩa thạch TCBS nếu có hoặc gửi mẫu nước đến phòng thí nghiệm ở địa phương.
  • Thường xuyên làm sạch ao nuôi. Hút bùn đáy ao để giảm việc tích tụ chất hữu cơ và thực vật phù du chết

Giải pháp sáng tạo – công nghệ

Cảm biến chất lượng nước

Những cải tiến trong cảm biến chất lượng nước rất quan trọng đối với các hoạt động canh tác hàng ngày và có tác động hữu ích khi trời mưa. Các công cụ như Baruno của JALA và Aquaeasy của Bosch có thể đo các thông số chất lượng nước chính như nhiệt độ, pH, DO và độ mặn, đồng thời tải dữ liệu lên “đám mây”. Điều này có thể đảm bảo việc theo dõi và cập nhật tình trạng ao nuôi khi trời mưa, đồng thời cung cấp cho người nuôi dữ liệu để đưa ra quyết định tốt hơn.

Các cảm biến nước cũng có thể được kết hợp với hệ thống cảnh báo thời tiết để thông báo cho người dân về diễn biến của thời tiết sắp xảy ra. Thay vì kiểm tra dự báo thời tiết theo cách thủ công, nó có thể được kết hợp với các cảm biến nước để tạo ra một hệ thống thuận tiện giúp người nông dân có sự chuẩn bị cho những cơn bão sắp đến.

Công nghệ xử lý nước nhanh chóng

Người dân cần thực hiện thay nước để duy trì độ mặn tối ưu và khuyến khích sự phát triển của hệ vi sinh sau khi trời mưa. Tuy nhiên, việc xử lý nước biển mới trước khi sử dụng tốn khá nhiều thời gian. Sự ra đời của các công nghệ thay thế như chiếu xạ UV và công nghệ ozone đã giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình xử lý nước biển mới. Cả hai công nghệ UV và ozone đều hứa hẹn cho việc khử trùng nước hiệu quả và có thể giảm vi khuẩn gây bệnh. Công nghệ này có thể giảm thiểu rủi ro mắc bệnh và mang lại một giải pháp xử lý nhanh chóng hơn so với các phương pháp xử lý nước khác.

Công nghệ UV và ozone thường được sử dụng trong hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS). Tuy nhiên, các công nghệ này có thể được sử dụng trong một hệ thống bán RAS được thiết lập để thay thế phương pháp xử lý nước truyền thống. Mặc dù giá thành các công nghệ này khá cao và chúng có thể không phù hợp với tất cả các hệ thống nuôi, nhưng không thể phủ nhận sự hữu ích của chúng trong việc giải quyết các thách thức khi trời mưa.

Cân nhắc về việc sử dụng mái che

Mái che có thể là một cách đơn giản để bảo vệ ao nuôi tôm khỏi các tác động bên ngoài. Chúng thường được sử dụng trong các trang trại tuần hoàn và có thể phù hợp với các hệ thống nuôi tôm thông thường. Người nuôi tôm có thể sử dụng mái che để che các ao nuôi thương phẩm và che một phần ao nuôi đã xử lý nước trước, đảm bảo rằng nước đã qua xử lý không bị loãng do mưa. Tuy nhiên, việc xây dựng mái che có thể tốn nhiều chi phí và không phù hợp với các hệ thống nuôi mật độ cao.

Theo Alune

Nguồn: https://thefishsite.com/articles/preparing-shrimp-farms-for-wet-weather-aquaculture-water-quality-indonesia

Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital

Xem thêm:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You cannot copy content of this page