Tôm được cho ăn với khẩu phần ăn có chứa FeedKind, một loại protein vi sinh vật mới do Calysta sản xuất, đã được chứng minh là có khả năng chống lại vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus – nguồn gốc của hội chứng tôm chết sớm (EMS).
Con tôm bên phải đã bị nhiễm AHPND / EMS
Tuy nhiên, việc đưa FeedKind vào khẩu phần ăn của tôm tôm thẻ chân trắng (Litopeneaus vannamei) được các nhà nghiên cứu ở Thái Lan tin rằng có thể giúp bảo vệ tôm và tăng khả năng kháng bệnh. Trong các thử nghiệm, có tới 100% bột cá trong khẩu phần ăn của tôm được thay thế hoàn toàn bằng bột protein Methylococcus capsulatus.EMS hay bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành nuôi tôm trên toàn cầu đang phải đối mặt. Hiện nay, có rất ít phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh này, ngoài thuốc kháng sinh – vốn không được người tiêu dùng ưa chuộng và không thể sử dụng trong thời gian dài.
Các thử nghiệm cũng chứng minh rằng loại protein mới này không ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn, tỷ lệ sống và sự tăng trưởng của tôm được nuôi trong điều kiện thử nghiệm.
Phương pháp
Có bốn nghiệm thức trong thử nghiệm và mỗi nghiệm thức được lặp lại 5 lần:
- T1 là chế độ ăn đối chứng chứa 15% bột cá
- T2 chứa 5% bột vi khuẩn methanotroph
- T3 chứa 10% bột vi khuẩn methanotroph.
- T4 chứa 15% bột vi khuẩn methanotroph.
Đầu tiên, để đánh giá sự tăng trưởng, tôm sẽ được cho ăn với ad libitum trong sáu tuần với chế độ ăn thử nghiệm. Tiếp theo, tôm sẽ trải qua thử thách tắm cảm nhiễm với Vibrio parahaemolyticus – tác nhân gây bệnh EMS / AHPND – và được giữ trong 15 ngày để đánh giá khả năng sống sót và sức đề kháng.
Kết quả
Các nhà nghiên cứu cho biết không có sự khác biệt đáng kể về hiệu suất tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng được cho ăn với chế độ ăn có chứa bột vi khuẩn methanotroph hoặc chế độ ăn đối chứng trong sáu tuần (p> 0,05). Ngoài ra, họ cũng cho biết về tỷ lệ sống, trọng lượng cuối cùng, tăng trọng, trọng lượng trung bình hàng ngày, tốc độ tăng trưởng cụ thể, khả năng tiêu thụ thức ăn hoặc hệ số chuyển đổi thức ăn cũng không có sự khác biệt đáng kể sau khi kết thúc nghiên cứu.
Trong thử thách cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, chế độ ăn có chứa bột vi khuẩn methanotroph đã làm tăng đáng kể tỷ lệ sống và giảm số lượng vi khuẩn Vibrio sp. trong gan tụy của tôm thẻ chân trắng. Các dấu hiệu miễn dịch như số lượng bạch cầu, phenoloxidase, superoxide dismutase và hoạt động của lysozyme ở tất cả các nhóm là tương tự nhau sau khi kết thúc thử nghiệm cho ăn kéo dài sáu tuần.
Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng: “Bột vi khuẩn methanotroph có thể thay thế hoàn toàn bột cá trong khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng. Ở chế độ ăn chứa 15% bột vi khuẩn methanotroph trong khẩu phần ăn của tôm không cho thấy có bất kì tác động xấu nào ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và tỷ lệ sống cũng như nâng cao tỷ lệ sống khi thách thức với AHPND.”
Ý nghĩa
Kết quả của các thử nghiệm có ý nghĩa vì hai lý do chính:
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã đề xuất rằng FeedKind chính là sự thay thế khả thi cho 100% bột cá trong khẩu phần ăn của tôm. Bột cá là một nguồn tài nguyên hữu hạn đang bị khai thác quá mức bởi ngành thức ăn thủy sản và việc sử dụng 3/4 nguồn cung cấp bột cá trên thế giới là một trong những chỉ trích lớn nhất đối với ngành nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu – đặc biệt là ngành cá hồi và tôm. Vì vậy, việc thay thế bằng một giải pháp thay thế bền vững sẽ rất được hoan nghênh và chào đón.
FeedKind cũng có ưu điểm hơn so với các nguồn protein khác như đậu nành. Các tác giả của bài báo đã nhận xét rằng: “Lợi ích bổ sung cho việc sản xuất bột vi khuẩn methanotroph là nó chiếm ít hơn 0,01% diện tích đất và chỉ sử dụng khoảng 10% nước xanh so với việc sản xuất protein đậu nành, nâng cao các thông tin về tính bền vững của nó.”
Yếu tố quan trọng thứ hai là tiềm năng của FeedKind, nó giúp bảo vệ tôm chống lại AHPND / EMS. Đây là một trong những bệnh nhận được nhiều sự quan tâm nhất đối với ngành sản xuất tôm. Chúng do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra, với các đợt bùng phát thường xuyên xảy ra ở các trang trại nuôi tôm ở Đông Nam Á. Chúng gây tỷ lệ chết đến hơn 70% và thiệt hại hàng năm ước tính lên đến 1 tỷ USD trên toàn cầu.
Theo quan sát của các tác giả: “Trước đây, người ta thường sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị EMS và các bệnh khác do vi khuẩn Vibrio gây ra, nhưng chúng đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia (theo Liu và cộng sự, năm 2017). Để tăng cường sức khỏe tôm, nhiều nông dân đã thêm các chất phụ gia vào chế độ ăn của tôm để cải thiện sức khỏe của chúng, nhưng việc làm này không mang lại nhiều hiệu quả và nó không chắc chắn (theo FAO, năm 2019). Tuy nhiên, bột vi khuẩn methanotroph được đưa vào thức ăn trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nhà máy, cung cấp một phương pháp hiệu quả hơn cho việc tạo ra chất kích thích miễn dịch”.
Với các kết quả đầy hứa hẹn, các tác giả cho rằng cần có các nghiên cứu bổ sung để xác nhận kết quả của nghiên cứu hiện tại trong điều kiện thực tế.
Theo Rob Fletcher
Nguồn: https://thefishsite.com/articles/a-non-medicinal-means-for-shrimp-farmers-to-combat-ahpnd-ems-calysta-feedkind-thailand
Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital
Xem thêm:
- Đánh Giá Ảnh Hưởng Của Huyết Tương Sấy Khô Trong Chế Độ Ăn Của Tôm Thẻ Chân Trắng Thái Bình Dương
- Đánh Giá Bột Ruồi Lính Đen Trong Khẩu Phần Ăn Đối Với Sức Khoẻ Và Sự Tăng Trưởng Của Tôm Thẻ Chân Trắng Thái Bình Dương
- Công Nghệ Nuôi Tôm Mới Ở Nước Cộng Hòa Panama