TÓM TẮT
Một trong số các ngành công nghiệp thực phẩm đang phát triển trên toàn cầu là ngành nuôi trồng thủy sản. Nó được coi là nguồn cung cấp lượng protein cao đủ để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm. Hiện nay, dịch bệnh được coi là vấn đề lớn nhất mà ngành nuôi trồng thủy sản trên toàn thế giới đang phải đối mặt, do các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức. Các tác nhân sinh học và phi sinh học là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch bệnh. Trong số các nhóm vi sinh vật mà gây tổn thất nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm, thì bệnh do vi khuẩn Vibrio gây ra là chủ yếu. Trong báo cáo của các hệ thống nuôi họ Tôm he thì có ít nhất 14 loài liên quan đến nó, như Vibrio Harveyi, V. Splendidus, V. Parahaemolyticus, V. Alginolyticus, V. Anguillarum, V. Vulnificus, V. Campbellsi, V. Fischeri, V. Damsella, V. Pelagicus, V. Orientalis, V. Mediterrani, V. Logei, v.v.
1.GIỚI THIỆU
Gần đây, ngành nuôi tôm đã trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất, hơn 80.000 ha đã được đưa vào nuôi tôm ở các vùng ven biển của Ấn Độ. Trong khi các trang trại nuôi tôm truyền thống đang được cải thiện, thì các trang trại nuôi quảng canh và bán thâm canh mới đang được xây dựng với tốc độ nhanh chóng. Với mong muốn đạt được sản lượng cao, hầu hết các trang trại mới này đều thả tôm với mật độ cao và sử dụng thức ăn dạng viên để tăng năng xuất. Các phương pháp hiện đại này đang gây sức ép cho tôm, khiến chúng dễ mắc bệnh. Những yếu tố tác động mạnh nhất gây nên vấn đề về bùng phát dịch bệnh trong nuôi tôm bao gồm:
- Môi trường bất lợi (đất và nguồn nước kém chất lượng)
- Mật độ nuôi cao với các trang thiết bị thay nước bị hạn chế.
- Sự thiếu hụt về dinh dưỡng / nguồn lương thực thực phẩm không đầy đủ.
- Sự tích tụ của nguồn thức ăn dư thừa và sau đó là sự phân hủy của chúng bởi các vi sinh vật dị dưỡng tự nhiên.
- Sục khí không đủ.
- Tảo nở hoa dưới mức tối ưu hoặc quá mức tối ưu trong ao.
- Tổn thương cơ thể
- Sự hiện diện của mầm bệnh độc hại với số lượng cao
Những yếu tố căng thẳng được nêu trên và nhiều yếu tố khác ít được biết đến đã dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh. Sự bùng phát dịch bệnh này đã gây ra tỷ lệ chết nghiêm trọng trong các trại nuôi tôm và trại giống.
Vibriosis là một trong những bệnh chính trên động vật thủy sản có vỏ và cá có vây. Vibriosis là một bệnh do vi khuẩn gây ra, nó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ chết của tôm trên toàn thế giới (theo Lightner & Lewis năm 1975; Admas, năm 1991; Lightner và cộng sự, năm 1992; Lavilla-Pitago và cộng sự, năm 1996; Lavilla Pitago và cộng sự, năm 1998; Chen và cộng sự, năm 2000). Các loài Vibrio phân bố rộng rãi ở khắp các trại nuôi trên toàn thế giới. Vi khuẩn Vibrio thường lây nhiễm ở các trại giống, đôi khi dịch bệnh cũng xảy ra ở các ao nuôi tôm. Vibriosis là bệnh do vi khuẩn gram âm trong họ Vibrionaceae gây ra. Khi các yếu tố môi trường kích hoạt sự phát triển lên nhanh chóng của vi khuẩn đã dung nạp ở mức độ thấp trong máu tôm thì dịch bệnh sẽ bùng phát (theo Sizemore & Davis năm 1985) hoặc bùng phát khi có sự xâm nhập của vi khuẩn vào các rào cản vật chủ. Bộ xương ngoài cung cấp một rào cản vật lý hiệu quả đối với các mầm bệnh cố gắng xâm nhập vào bề mặt bên ngoài của động vật giáp xác, cũng như phần ruột trước và ruột sau.
Trong hệ thống nuôi ấu trùng Penaeus monodon, vi khuẩn phát sáng gram âm Vibrio harveyi là một trong những tác nhân gây chết hàng loạt các ấu trùng. Một số lượng lớn các cơ sở sản xuất tôm giống dọc theo bờ biển nước ta tham gia sản xuất tôm giống thường bị thất bại và thiệt hại lớn về kinh tế, chủ yếu do bệnh vi khuẩn phát sáng gây ra. Có rất nhiều biến thể về phân tử và gen di truyền trong nhóm vi khuẩn V.harveyi, bởi vì trong số các phân lập của chúng, một số thì cực kỳ độc hại, còn một số thì không. Cơ chế gây bệnh gần đây cũng được cho là do thể thực khuẩn. Vibriosis được gây ra bởi một số loài vi khuẩn Vibrio bao gồm: Vibrio harveyi, V. splendidus, V. parahaemolyticus, V. alginolyticus (theo Brock và Lightner, năm 1990; Ishimaru và cộng sự, năm 1995). Thi thoảng cũng có các báo cáo về bệnh Vibriosis do V. Damella, V. fluvalis và các loài Vibrio không xác định khác (theo Lightner, năm 1996).
2. Phương Pháp Và Nguyên Liệu
Bệnh vi khuẩn Vibrio
Nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết là một trong những bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ cơ thể vật nuôi do vi khuẩn gây ra. Tôm bị lờ đờ và có biểu hiện bất thường khi bơi. Chân bò và chân bơi có màu đỏ do tế bào sắc tố lan rộng và tôm hơi cong phần bụng. Ở những con tôm bị ảnh hưởng nặng, mang tôm bung ra và bị ăn mòn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể nhìn thấy các đốm đen lan rộng trên vỏ giáp và bụng. Để chẩn đoán những bệnh do Vibrio alginolyticus, V. anguillarium hoặc V.parahaemolyticus gây ra, người ta thường dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng tổng quát. Chúng được xác nhận bằng cách phân lập mầm bệnh từ haemolymph bởi các phương pháp vi sinh tiêu chuẩn và mô bệnh học. Việc duy trì chất lượng nước ổn định và giảm tải lượng chất hữu cơ thông qua việc tăng cường việc thay nước có thể ngăn chặn được sự bùng phát dịch bệnh. Điều này có nghĩa là nước nuôi tôm phải có chất lượng tốt và cho ăn thêm thức ăn có trộn chất kháng sinh (chỉ áp dụng sau khi xác định mức độ nhạy cảm in vitro của mầm bệnh).
Hoại tử phụ bộ.
Sự hoại tử ở các đầu của chân đi, chân bơi, các chân sau và dần chuyển màu nâu đen là các đặc trưng của bệnh hoại tử phụ bộ. Phần lông mịn trên các phụ bộ, râu và các phụ bộ có thể bị gãy và mất màu. Hoại tử các phụ bộ do Vibrio spp, Pseudomonas spp, Aeromonas spp và Flavobacterium spp gây ra và được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng tổng quát. Căn bệnh này được ngăn chặn bằng cách duy trì chất lượng nước tốt và thả giống ở mật độ tối ưu. Tránh việc xử lý tôm không cần thiết bởi vì nó có thể dẫn đến thương tích và hoại tử.
Bệnh do Vibrio gây ra
Ấu trùng tôm khi bị nhiễm vi khuẩn Vibrio sẽ có biểu hiện hoại tử phần phụ bộ, tế bào sắc tố giãn nở, ruột rỗng, ruột trống và chán ăn. Vi khuẩn V.alginolyticus, V.parahaemolyticus có thể gây ra tỷ lệ chết tích lũy rất cao, lên tới 80% trong vòng vài ngày. Việc chẩn đoán bệnh do Vibrio gây ra được thực hiện bằng cách chứng minh vi khuẩn di động trong khoang cơ thể của ấu trùng tôm, xác nhận việc phân lập và xác định vi khuẩn gây bệnh thông qua các phương pháp vi sinh tiêu chuẩn. Duy trì chất lượng nước tốt và giảm tải lượng hữu cơ trong nước bằng cách tăng cường thay nước là các biện pháp có thể ngăn ngừa sự bùng phát dịch bệnh. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh bằng 10-15 ppm Ethylene Diamine Tetra Acetic Acid (EDTA) đánh vào bể nuôi ấu trùng.
Bệnh đốm nâu (hay Bệnh mòn vỏ)
Những con tôm mắc bệnh đốm nâu (hay bệnh mòn vỏ) thường xuất hiện màu nâu trên bề mặt cơ thể và các phần phụ. Căn bệnh này chủ yếu do vi khuẩn Aeromonas spp và flavobacterium spp. gây ra, những vi khuẩn này có khả năng tiết ra chất men có thể ăn mòn lớp vỏ chitin của tôm. Các phương pháp vi sinh tiêu chuẩn được sử dụng để chẩn đoán căn bệnh này bằng cách phân lập và xác định vi khuẩn từ vị trí lây nhiễm. Bệnh có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm tải lượng hữu cơ trong nước và tăng cường việc thay nước. Để giảm thiểu nguy cơ tôm bị thương và nhiễm trùng, hạn chế việc xử lý tôm khi không cần thiết và tránh thả tôm ở mật độ quá dày. Thêm vào đó, có thể kiểm soát sự lột xác của tôm bằng 5-10ppm bã hạt trà. Tăng cường thay nước để cải thiện chất lượng nước. Nếu không cải thiện chất lượng nước bằng cách thay nước, có thể cho tôm ăn với thức ăn có trộn kháng sinh ở mức 2-10% sinh khối trong 10-14 ngày.
Bệnh do vi khuẩn dạng sợi
Các ấu trùng tôm bị vi khuẩn bám vào mang, lông trên phụ bộ, phụ bộ và bề mặt cơ thể là các biểu hiện của bệnh do các vi khuẩn dạng sợi gây ra. Quá trình lột xác bị suy giảm và ấu trùng tôm có thể chết do thiếu oxy. Bệnh này do các vi khuẩn dạng sợi như Leucothrix mucor gây ra. Quan sát dưới kính hiển vi thấy được vi khuẩn dạng sợi bám trên bề mặt cơ thể và phụ bộ của ấu trùng tôm. Duy trì chất lượng nước tốt với các điều kiện vật lý – hóa học tối ưu, được kiểm soát bởi quá trình xử lý bể ngâm đồng sunphat 0,25 – 1 ppm trong 4-6 giờ có thể ngăn ngừa được bệnh vi khuẩn dạng sợi.
Theo N. Chandrakala, S. Priya
Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital.
BINH MINH CAPITAL
Xem thêm:
- Úc Thiết Lập Chương Trình Lai Tạo Giống Để Thúc Đẩy Nuôi Tôm Bạc Thẻ Fenneropenaeus Merguiensis.
- Ảnh Hưởng Của Chế Phẩm Sinh Học Streptomyces Đến Hệ Vi Sinh Vật Đường Ruột Của Tôm Thẻ Chân Trắng Thái Bình Dương
- Ứng Dụng Chế Phẩm Sinh Học Trong Nuôi Tôm