Xử Lý Nước Thải Bằng Phương Pháp Sinh Học Bioremediation Để Mang Lại Lợi Nhuận Trong Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng

Đầu tư một khoản nhỏ vào probiotics có thể giúp chi phí sản xuất thấp hơn

Hình 1: Các thông số chất lượng nước lý tưởng trong ao xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học

Việc sử dụng probiotics là một trong những bước quan trọng nhất góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành tôm. Chúng an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường, kích thích tăng trưởng và sức khỏe tổng thể của tôm bằng cách loại trừ các vi khuẩn gây bệnh.

Lợi ích của việc xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học

Vi sinh vật rất quan trọng và có vai trò quyết định trong chu kỳ nuôi tôm. Ở giai đoạn trước và trong nuôi thương phẩm đối với ao đất hoặc ao lót bạt, chất lượng nước và việc phòng ngừa dịch bệnh có liên quan trực tiếp và chịu ảnh hưởng lớn bởi hoạt động của vi sinh vật. Quần thể vi sinh vật đóng vai trò rất quan trọng trong ao nuôi tôm, bao gồm tái sử dụng các chất dinh dưỡng, duy trì năng suất sơ cấp, điều tiết và xử lý nước, chất lượng đáy ao và hoạt động hiệu quả trên khu vực bùn (Jasmin và cộng sự, 2020).

Probiotic được định nghĩa là một chất hỗ trợ vi sinh vật sống có tác dụng có lợi đối với vật chủ bằng cách thay đổi quần thể vi khuẩn xung quanh hoặc liên quan đến vật chủ. Probiotic hoạt động với mục đích đảm bảo việc cải thiện khả năng sử dụng thức ăn bằng cách nâng cao giá trị dinh dưỡng của nó, cũng như tăng cường phản ứng của vật chủ đối với mầm bệnh hoặc bằng cách cải thiện chất lượng môi trường xung quanh (Verschuere và cộng sự, 2000).

Trong nuôi tôm, các loại probiotic sử dụng cho nước hoặc đất thường xuyên được áp dụng để điều chỉnh cũng như điều khiển quần thể vi sinh vật trong cột nước và trầm tích đáy ao. Điều này có tác dụng giảm hoặc loại bỏ các loài vi sinh vật gây bệnh cụ thể (Vibrio parahaemolyticusVibrio harveyi), từ đó cải thiện tỷ lệ sống của tôm (Toledo và cộng sự, 2019). Verschuere và cộng sự (2000) cho biết hầu hết các vi sinh vật có lợi được đề xuất làm tác nhân kiểm soát sinh học trong nuôi trồng thủy sản đều thuộc nhóm vi khuẩn axit lactic (Lactobacillus, Carnobacterium, v.v.) hoặc thuộc chi Vibrio (Vibrio alginolyticus, v.v.), Bacillus hoặc Pseudomonas cũng như các chi hoặc loài khác.

Xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên, tăng cường tỷ lệ tái sử dụng khoáng chất và nồng độ oxy hòa tan trong ao nuôi tôm. Ngoài ra, nó còn giúp cạnh tranh loại trừ quần thể vi khuẩn gây bệnh và cải thiện sức khỏe chung của tôm trong suốt chu kỳ nuôi.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ ra rằng việc xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học mang lại nhiều lợi ích đáng kể với tiềm năng cải thiện sản lượng tôm và giảm thiểu chi phí sản xuất. Trong ba năm qua, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm tại trang trại R&D của Growel Feeds Pvt Ltd, Andhra Pradesh và tại các trang trại khác của một số hộ nuôi trên khắp Ấn Độ. Công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học này là một phần trong quy trình vận hành của Growel, dẫn đến tỷ lệ thành công của mùa mùa vụ đạt hơn 90%. Để thể hiện tính kinh tế trong sản xuất trong mùa vụ giữa ao xử lý và ao đối chứng, chúng tôi đã sử dụng dữ liệu gần đây từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023.

Giảm chi phí sản xuất

Chi phí sản xuất trong ao sử dụng công nghệ sinh học để xử lý nước thải đa phần thường thấp hơn. Những cải thiện về sản lượng làm tăng lợi nhuận tổng thể. Đây là phương pháp xử lý hiệu quả nhất về chi phí so với các quy trình quản lý sản xuất khác.

Xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học chỉ đơn giản là dựa vào việc bổ sung thường xuyên các carbohydrate đơn giản, dễ tiêu hóa (như mật mía, đường thốt nốt và cám gạo) để tạo điều kiện cho vi khuẩn dị dưỡng phát triển. Việc bổ sung các nguồn carbon này, cùng với chất thải nitơ từ thức ăn cho tôm sẽ tăng cường sự phát triển của vi khuẩn tiêu thụ NH để tổng hợp protein của vi khuẩn, do đó sẽ không có nhiều không gian cho quá trình quang hợp trong ao, đem lại chất lượng nước ổn định hơn.

Xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học (lên men hiếu khí và kỵ khí) đã mang lại những lợi ích đáng kể cho người nuôi tôm trên khắp thế giới. Hệ thống này giúp đảm bảo mức oxy hòa tan (DO) giữa ngày và đêm được ổn định hơn và tránh hiện tượng sụp tảo làm nồng độ DO thấp và chất lượng nước kém (Ebeling và cộng sự, 2006; Samocha và cộng sự, 2007). Hơn nữa, quần thể vi sinh vật dày đặc được cho là có tác dụng kiểm soát vi khuẩn gây bệnh cho tôm, như V. parahaemolyticus (Crab và cộng sự, 2007).

Tầm quan trọng của xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học

Sau khi khử trùng nước ao, Vibrio có thể nhanh chóng tái sinh trong nước nuôi. Với tốc độ phát triển của Vibrio, vi sinh vật có lợi trong nước và đất sau khi lên men thông qua các quy trình xử lý nước thải có thể cạnh tranh với Vibrio trong ao nuôi tôm. Sử dụng probiotics 2-3 lần mỗi tuần sau khi lên men là đủ.

Các vi khuẩn có lợi có thể được kích hoạt bằng cách lên men một lượng nhỏ bột probiotics ở mức 200-300g/ha cứ sau 3 ngày trong 10 ngày trước khi thả giống, trong nước vô trùng và có độ mặn gần bằng 0, sục khí liên tục và khử trùng bằng nguồn carbon hữu cơ. Sau khi hoàn thành quá trình chuẩn bị nước, có thể tiến hành thả tôm.

Hình 2: Tôm khỏe mạnh thu hoạch từ ao xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học.

Kích hoạt vi sinh vật hiếu khí

Nguyên liệu và phương pháp được sử dụng để kích hoạt vi sinh vật hiếu khí được trình bày trong Bảng 1. Liều lượng khuyến nghị là 100L/ha, 3 ngày một lần và tốt nhất là vào lúc 9-10 giờ sáng.

Bảng 1. Danh sách các nguyên liệu cần thiết để kích hoạt sinh vật hiếu khí.

Quá trình lên men kỵ khí

Lên men kỵ khí là quá trình trao đổi chất mà các chủng vi sinh vật có lợi lấy năng lượng từ carbohydrate trong trường hợp không có oxy để nhân lên và tạo ra các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học khác nhau. Danh sách các nguyên liệu cần thiết được trình bày trong Bảng 2. Liều lượng khuyến nghị là 100L/ha mỗi ngày và thời gian sử dụng vào lúc 2-3 giờ sáng là tốt nhất. Trong quá trình chuẩn bị ao, nên bổ sung ở mức 500L/ha để làm giàu dinh dưỡng nền đáy ao.

Bảng 2. Danh mục nguyên liệu cần thiết cho sinh vật lên men kỵ khí.

Các nhận xét chung từ các thử nghiệm này là xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học đóng một vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng, tỷ lệ sống và khả năng kháng bệnh của tôm thẻ chân trắng bằng cách duy trì quần thể vi sinh vật có lợi và loại trừ cạnh tranh vi khuẩn gây bệnh trong ao trong suốt quá trình nuôi. Trong các thử nghiệm này, chúng tôi đã chỉ ra rằng việc sử dụng probiotics trong ao, với chi phí bổ sung là 3,81 INR (0,05 USD) cho mỗi kg tôm, đã giúp cải thiện sản lượng.

Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng ngày (ADG) của tôm thu hoạch trong ao xử lý là 0,28g và ao đối chứng là 0,23g. Có sự khác biệt đáng kể giữa hai hệ thống sản xuất. ADG trong ao xử lý cao hơn 18% so với ao đối chứng, và sản lượng tôm trong ao xử lý cao hơn 13,13% so với ao đối chứng (Bảng 3 và 4 và Hình 3).

Bảng 3. Chi phí đầu vào cho việc xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học trong nuôi tôm. Tổng chi phí là 3.81 INR/kg tôm

Bảng 4. Kết quả từ các thử nghiệm tại Trang trại R&D Growel và 27 trang trại của khách hàng trên khắp Ấn Độ được tiến hành từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023. SD=mật độ thả: DOC= số ngày nuôi: trọng lượng cơ thể trung bình ABW; ADG-tăng trưởng trung bình hàng ngày; SR-tỷ lệ sống; hệ số chuyển đổi thức ăn FCR; COP chi phí sản xuất. A: ao xử lý; B: ao đối chứng và C: Tóm tắt kết quả với % khác biệt

Hình 3. Hiệu suất tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng theo trọng lượng cơ thể trung bình (ABW, tính bằng g) trong ao xử lý T1-T4 (màu xanh lam) và ao đối chứng C1-C4 (màu cam). Trong các ao xử lý, ABW là 21,43g ở ngày nuôi thứ 75 do tôm tăng trưởng tốt hơn so với ao đối chứng với ABW là 20,54g ở ngày nuôi thứ 86. Vì hầu hết nông dân thích thu hoạch tôm cỡ từ 20 đến 25g do giá tại trang trại tốt hơn và để nuôi được nhiều vụ hơn trên năm, tôm trong ao xử lý được thu hoạch sớm hơn

Ở các ao xử lý, hệ số chuyển đổi thức ăn trung bình (FCR) là 1,14 và chi phí sản xuất (COP) là 238 INR/kg (2,90 USD/kg), thấp hơn so với 1,28 và 277 INR/kg (3,38 USD/kg) trong ao đối chứng. Tỷ lệ sống trung bình trong ao xử lý cao hơn 8,4% so với ao đối chứng nhờ vào tình trạng sức khỏe tôm tốt trong suốt vụ nuôi (Bảng 4).

Ngoài ra, chúng tôi quan sát thấy rằng có sự biến động rất nhỏ đối với các thông số chất lượng nước (oxy hòa tan và pH) trong các ao xử lý. Điều này làm giảm mức độ căng thẳng cho tôm (Bảng 5).

Bảng 5. Tóm tắt các thông số chất lượng nước trong các thử nghiệm.

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/may-june-2023/

Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital

Xem thêm:

You cannot copy content of this page