Từ Ô Nhiễm Đến Lợi Nhuận: Hơn 13 Tấn Tôm Thu Hoạch Từ 1 Ha

Bằng cách tái chế các chất dinh dưỡng dư thừa mà có thể sẽ phải thải ra môi trường, một trang trại nuôi tôm đã thu hoạch gần 13 tấn tôm trị giá 3,3 triệu Peso (67.694 USD) chỉ sau hơn 4 tháng nuôi

Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) được thu hoạch theo từng phần bắt đầu từ ngày nuôi thứ 81 cho đến ngày nuôi thứ 132 chỉ trong 10.449 m2 ao đất cũ của Cục Nuôi trồng Thủy sản Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC/AQD) ở Dumangas, Iloilo.

Erish Estante-Superio, nghiên cứu viên tại SEAFDEC/AQD cho biết: “Với vụ thu hoạch này, lợi nhuận thu được là khoảng 1,4 triệu peso (28.719 USD) với giá bán là 257 peso (5,3 USD) mỗi kg và lợi tức đầu tư là 172%”.

Thay vì thay nước, trang trại đã sử dụng hệ thống nuôi biofloc, chất thải của tôm và thức ăn dư thừa trong nước ao được xử lý để thúc đẩy sự phát triển của các sinh vật khác nhau, sau đó trở thành thức ăn cho tôm.

Victor Emmanuel Estilo, trưởng trạm của Trạm nước lợ Dumangas thuộc Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á, Cục Nuôi trồng Thủy sản, với các sọt tôm thẻ chân trắng được thu hoạch từ ao biofloc. Ảnh của RD Dianala

Estante-Superio, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án nuôi tôm thẻ chân trắng trong hệ thống biofloc cho biết: “Là một hệ thống khép kín, các chất dinh dưỡng cần thiết cho tôm có thể được tái chế và tái sử dụng liên tục, từ đó giảm nhu cầu cho ăn và giảm chi phí”.

Tôm sẽ ăn biofloc, là tập hợp của tảo, vi khuẩn, thức ăn thừa và chất dinh dưỡng dư thừa có trong nước ao.

Biofloc, tập hợp tảo, vi khuẩn, thức ăn thừa và các chất dinh dưỡng dư thừa dùng làm thức ăn cho tôm, đây là hình ảnh hệ thống biofloc sau khi được để lắng. Ảnh của VE Estilo

Victor Emmanuel Estilo, chuyên gia về tôm và trưởng trạm Trạm nước lợ Dumangas của SEAFDEC/AQD cho biết: “Ngoài việc cung cấp thức ăn, việc sử dụng công nghệ biofloc trong nuôi trồng thủy sản còn giúp duy trì chất lượng nước ao cũng như ngăn ngừa suy thoái môi trường vì lượng nước xả ra là tối thiểu và nước được tái sử dụng.”

Giám đốc SEAFDEC/AQD – Dan Baliao ghi nhận tỷ lệ sống của tôm là 97% và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn là 1.4, mặc dù quá trình nuôi diễn ra trong mùa mưa.

Ông Baliao cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có thể hữu ích cho người nuôi tôm vì họ có thể tiếp tục nuôi tôm ngay cả khi trong mùa mưa mà không bị thiệt hại do dịch bệnh. Chúng tôi khuyến khích người nuôi tôm áp dụng công nghệ này để tăng sản lượng và lợi nhuận của họ.”

Ông nói thêm: “Nông dân có thể liên hệ với chúng tôi nếu họ cần hỗ trợ thiết lập công nghệ này trong trang trại của họ. SEAFDEC/AQD luôn sẵn sàng chung tay giúp đỡ vì sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản.”

Nuôi tôm trong mùa mưa

Trong mùa mưa, người nuôi tôm thường phải đối mặt với tỷ lệ mắc bệnh cao hơn như bệnh do virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV). Estante-Superio giải thích rằng mưa lớn có xu hướng làm giảm nhiệt độ và độ mặn của nước trong ao nuôi tôm, đồng thời làm cho nó có tính axit hơn.

Cô cho biết: “Mưa lớn có thể làm suy giảm quần thể vi tảo và gia tăng số lượng vi khuẩn dị dưỡng do các chất dinh dưỡng có sẵn từ các tế bào tảo chết tích tụ ở đáy ao.”

Hiện tượng tảo chết hàng loạt khiến vi khuẩn bắt đầu phân hủy các tế bào tảo chết, quá trình này tiêu thụ một lượng lớn oxy trong nước.

Cô nói thêm: “Điều này dẫn đến nồng độ oxy hòa tan thấp, pH, độ mặn và nhiệt độ thấp tạo ra môi trường không thuận lợi, làm tôm bị stress và hệ miễn dịch yếu, do đó dễ mắc bệnh”.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tôm nuôi trong hệ thống biofloc ít mắc bệnh hơn vì biofloc làm giảm sự hiện diện của vi khuẩn có khả năng gây bệnh.

Estante-Superio cho biết: “Cập nhật thông tin này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trong mùa mưa để chứng minh cho người nuôi tôm thấy hiệu quả của công nghệ biofloc trong việc giảm thiểu sự xuất hiện của dịch bệnh trong mùa mưa.”

Nhóm nghiên cứu của SEAFDEC/AQD đảm bảo chỉ thả tôm post khỏe mạnh được mua từ một trại sản xuất giống được công nhận và đã kiểm tra hai lần về sự hiện diện của các vi sinh vật phổ biến ảnh hưởng đến tôm như WSSV và Vibrio parahaemolyticus (tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính hoặc AHPND) trước khi thả nuôi.

Nước ao nuôi và tôm cũng được theo dõi để phát hiện dịch bệnh. Nước ao nuôi được kiểm tra 2 lần/tuần để phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn phát sáng và V. parahaemolyticus, tôm được kiểm tra 1 lần/tuần để phát hiện sự hiện diện của WSSV và V. parahaemolyticus.

Tính năng độc đáo của hệ thống biofloc của SEAFDEC/AQD

Điều khác biệt giữa hệ thống biofloc của SEAFDEC/AQD với các hệ thống biofloc truyền thống là sự hiện diện của thiết bị loại bỏ bùn.

Estilo cho biết: “Vì công nghệ biofloc là một hệ thống không thay nước nên chúng tôi đã thiết kế một thiết bị loại bỏ bùn để loại bỏ bùn hoặc chất thải tích tụ trong ao nuôi tôm. Estilo cho biết thiết bị loại bỏ bùn (SRF) là một hố lõm hình tròn được thiết kế ở giữa ao, đây là phiên bản cải tiến của cống truyền thống đặt ở giữa ao.”

Estilo cho biết thêm: “Phần quan trọng nhất trong SRF là việc bố trí các quạt nước trong ao nuôi, chúng sẽ thúc đẩy tuần hoàn nước quanh ao để bùn tập trung ở hố lõm hình tròn nằm ở giữa”.

Thiết lập hệ thống biofloc để nuôi tôm thẻ chân trắng, Litopenaeus vannamei, tại Trạm nước lợ Dumangas của Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á, Cục Nuôi trồng Thủy sản ở Iloilo. Ảnh của VE Estilo

Theo SEAFDEC/AQD

Nguồn: https://www.seafdec.org.ph/2020/from-pollution-to-profit-over-p3-m-of-shrimp-harvested-from-a-hectare/

Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital

Xem thêm:

You cannot copy content of this page