Tôm Post Sạch Bệnh Là Chìa Khóa Để Nuôi Tôm Bền Vững Ở Bangladesh

Tôm sú P. monodon là loài tôm nổi tiếng ở Bangladesh với hương vị đặc trưng. Nuôi tôm thương phẩm đã bắt đầu ở Bangladesh từ những năm 1980. Kể từ đó, sản xuất tôm của nước này thường xuyên có nhiều biến động và một số thời điểm, nó đã lao dốc không phanh.

Sự phát triển của ngành tôm Bangladesh đã bị cản trở bởi nhiều yếu tố và sự khan hiếm tôm post chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Tuy nhiên, gần đây đã nhiều sáng kiến được thực hiện để thúc đẩy sự phát triển của tôm giống (PL) sạch mầm bệnh cụ thể (SPF) nhằm tăng sản lượng tôm trong nước. Với sự hỗ trợ của chính phủ, các doanh nhân đang nâng cấp các trại sản xuất giống nói chung thành các trại sản xuất giống SPF, các trại ương cũng đang được chuyển đổi thành các trại SPF. Hiện tại đã có 3 trại sản xuất tôm giống sạch bệnh.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, việc mở rộng các cơ sở sản xuất tôm giống sạch bệnh trong nước không phát triển như mong đợi do việc nhập khẩu trái phép nauplii và post từ nước láng giềng Ấn Độ. Trong khi đó, việc không bắt buộc có chứng nhận không có virus trong việc tiếp thị tôm post cũng đã cản trở sự phát triển của các cơ sở này.

Theo các bên liên quan, khoảng 15 triệu người có liên quan trực tiếp và gián tiếp với ngành tôm. Ngành này cũng đã tạo ra nguồn sống cho hàng triệu người dân, và đóng một vai trò quan trọng trong thu nhập xuất khẩu của đất nước.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhu cầu đối với các loài tôm khác (chủ yếu là tôm thẻ L. vannamei) trên thị trường toàn cầu và việc thiếu các kỹ thuật nuôi cải tiến đang cản trở ngành tối đa hóa lợi ích. Để đẩy nhanh lợi ích của ngành nuôi tôm và xuất khẩu tôm, cần tăng cường liên kết ngược trong ngành.

Một khía cạnh quan trọng của liên kết ngược trong ngành tôm là sử dụng tôm post chất lượng cao. Việc sử dụng tôm post không có mầm bệnh cụ thể (SPF) đã được xác định là một yếu tố quan trọng giúp tăng sản lượng. Tôm SPF phải sạch 12 bệnh, bao gồm cả bệnh đốm trắng và bệnh trắng đuôi ảnh hưởng đến sức khỏe tôm. Tỷ lệ sống của tôm SPF cao hơn nhiều so với tôm không SPF.

Khi tôm bố mẹ sinh sản, giai đoạn đầu tiên của vòng đời tôm được gọi là Nauplii.

Hiện tại, việc mở rộng sản xuất “tôm giống sạch bệnh” vẫn còn hạn chế, chỉ có 3 trại giống trong nước sản xuất tôm giống sạch bệnh. Tuy nhiên, chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã phối hợp để hỗ trợ một số trại giống và trại ương trong một dự án do Bộ Thủy sản khởi xướng. Mục đích của dự án là sản xuất tôm bố mẹ, tôm post và giun nhiều tơ sạch bệnh, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng và sản lượng tôm. Lưu ý, Trại giống Niribili đã bắt đầu sản xuất giun nhiều tơ thương mại đầu tiên ở Bangladesh.

Mặc dù có những sáng kiến tích cực này, nhưng thách thức vẫn còn tồn tại. Việc buôn lậu Nauplii nhiễm bệnh từ Ấn Độ trong thời gian ban hành lệnh cấm đánh bắt thủy sản (20 tháng 5 đến 23 tháng 7) đã đặt ra một mối đe dọa lớn cho ngành. Hơn nữa, việc không bắt buộc có giấy chứng nhận không có virus đối với bệnh trong trại sản xuất giống và việc không thực hiện đúng Luật Thủy sản-2010 đã góp phần làm lây lan bệnh ở tôm mẹ và tôm giống ở Bangladesh.

Để đảm bảo sản xuất tôm giống sạch bệnh, bắt buộc phải có giấy chứng nhận sạch bệnh cho tất cả các trại sản xuất tôm SPF. Ngoài ra, phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc buôn lậu Nauplii bị bệnh. Các luật hiện hành đã được áp dụng, nhưng việc thực thi hiệu quả các luật này là rất quan trọng để cung cấp tôm sạch bệnh cho nông dân và tăng đáng kể sản lượng tôm trong nước.

Một số trại sản xuất giống và trại ương đang được hỗ trợ theo dự án được triển khai. Các trại sản xuất giống và ương giống đang được hỗ trợ bao gồm: FishTech Hatchery Limited, Golden Aqua Shrimp Hatchery Limited, MKA Hatchery, ARC Shrimp Hatchery, Bengal Bay Hatchery Limited, Balaka Hatchery Limited, Borak Shrimp Hatchery Limited, Kazi SPF Nursing Point, Kapotakshma Shrimp Hatchery Limited, Masum Shrimp Hatchery Limited, Blue Star Hatchery & Nursery, Desh Bangla Hatchery SPF Hatchery, S Alam Nursing Point, Badhaban SPF Nursing Point và Chitra SPF Nursing Point.

Tuy nhiên, một số chủ trại bày tỏ mối lo ngại về sự hỗ trợ tài chính được cung cấp theo dự án, vì nó không đủ chi phí thực tế cần thiết để đáp ứng các điều kiện của Ngân hàng Thế giới.

Nói chung, mặc dù đã có tiến bộ trong việc phát triển các trại sản xuất tôm SPF, nhưng tốc độ phát triển không như mong đợi do nhiều vấn đề phức tạp. Để thúc đẩy ngành tôm và ngăn chặn nó đánh mất đi tiềm năng, chính phủ và các bên liên quan phải hợp tác cùng nhau. Điều này sẽ đảm bảo việc áp dụng rộng rãi tôm giống sạch bệnh, dẫn đến một tương lai thịnh vượng và đầy hứa hẹn cho ngành tôm ở Bangladesh.

Theo SEAFOOD NETWORK BANGLADESH

Nguồn: https://seafoodnetworkbd.com/disease-free-post-larvae-key-to-sustainable-shrimp-farming-in-bangladesh

Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital

Xem thêm:

You cannot copy content of this page