Kế hoạch dự phòng
Việc quan sát các dấu hiệu lâm sàng của bệnh đòi hỏi phải nhanh chóng cách ly các cá thể bị ảnh hưởng, theo dõi PCR và mô học liên tục.
Khi xảy ra tình huống khẩn cấp về vệ sinh trong các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân viên phải sẵn sàng ứng phó một cách hiệu quả. Để đảm bảo sự chuẩn bị, kế hoạch dự phòng cần được tích hợp vào chiến lược an toàn sinh học của cơ sở đó. Mục tiêu của kế hoạch này là khôi phục sản lượng trong thời gian ngắn nhất, với chi phí và rủi ro tối thiểu nhất có thể. Hiệu quả của kế hoạch dự phòng này gắn liền với việc phản ứng nhanh chóng và thực hiện hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học.
Kế hoạch dự phòng sẽ phụ thuộc vào việc tác nhân gây bệnh hoặc bệnh được phát hiện là ngoại lai hay đặc hữu đối với cơ sở, tác động kinh tế tiềm tàng của nó và quyết định liệu có loại bỏ nó ra khỏi cơ sở hay không.
Các lựa chọn ứng phó với tình huống khẩn cấp về vệ sinh có thể bao gồm điều trị trong trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm, tiêu diệt quần thể trong trường hợp có mầm bệnh ngoại lai nghiêm trọng, hoặc tiếp tục nuôi trồng dưới sự kiểm soát an toàn sinh học nghiêm ngặt, như trong trường hợp dịch bệnh lưu hành.
Hệ thống cờ
Giai đoạn quan trọng đầu tiên trong xử lý tình huống khẩn cấp về vệ sinh là tạo ra sự nhận thức. Nhân viên cần được thông tin về tình hình và hướng dẫn thực hiện kế hoạch dự phòng. Để tăng cường sự nhận thức, có thể thiết lập một hệ thống cờ tại các địa điểm bị ảnh hưởng.
Ví dụ, hệ thống cờ có thể sử dụng ba màu khác nhau: màu xanh lá cây để thông báo về các hoạt động bình thường, màu vàng để chỉ ra phát hiện mầm bệnh, và màu đỏ để biểu thị sự xuất hiện của các dấu hiệu lâm sàng hoặc tỷ lệ chết. Các màu cờ và hành động đề xuất được tóm tắt trong Bảng 1. Mỗi thành viên trong cơ sở cần hiểu rõ về cách hành động thích hợp khi phát hiện vấn đề. Tất nhiên, việc đào tạo này phải được thực hiện trước khi trường hợp khẩn cấp xảy ra.
Bảng 1. Đánh dấu màu cờ trong kế hoạch an toàn sinh học.
Quyết định
Trước khi quyết định nên điều trị, tiêu diệt hay tiếp tục nuôi, cần phải đánh giá một số yếu tố, bao gồm hồ sơ về tình hình vệ sinh trước đó và hiện tại, liệu tình trạng khẩn cấp có phải là do phát hiện mầm bệnh không hay là do biểu hiện của mầm bệnh đó, mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn của bệnh, kích cỡ tôm và tình trạng tôm chết. Tình hình kinh tế của công ty và giá trị thị trường tôm hiện tại là những yếu tố bổ sung.
Mầm bệnh ngoại lai
Bảng 2 trình bày các quyết định được khuyến nghị trong trường hợp phát hiện bệnh hoặc quan sát thấy biểu hiện của bệnh do mầm bệnh ngoại lai hoặc mầm bệnh ảnh hưởng đến tôm bố mẹ. Sự hiện diện của hầu hết các mầm bệnh ảnh hưởng đến toàn hệ thống nuôi hoặc tỷ lệ gây chết cao đòi hỏi phải loại bỏ quần thể. Việc phát hiện virus gây hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV) trong tôm bố mẹ sẽ yêu cầu sàng lọc cá thể bị nhiễm bệnh ra khỏi hệ thống, tuy nhiên, nếu virus được phát hiện trong ao nuôi, thì việc chờ đợi để đánh giá hiệu suất tôm sẽ là lựa chọn được khuyến nghị. Mặc dù vậy, nhưng việc nuôi tôm bị nhiễm bệnh có thể khiến tình trạng nhiễm trùng kéo dài trong cơ sở.
Bảng 2. Những quyết định khi phát hiện mầm bệnh ngoại lai hoặc mầm bệnh ảnh hưởng đến tôm bố mẹ.
Các loại virus đường ruột như virus HPV, virus MBV trên tôm sú, baculovirus trên tôm he (B.P.) và hoại tử tuyến ruột giữa do baculovirus (BMNV) có thể được sàng lọc bằng cách làm sạch và khử trùng trứng và nauplii. Những mầm bệnh này có khả năng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng nhưng không có khả năng gây bùng phát dịch bệnh.
Mầm bệnh đặc hữu
Tiêu chí để quyết định thu hoạch hoặc tiêu diệt trong trường hợp tôm nhiễm bệnh đặc hữu (không phải mầm bệnh ngoại lai) phụ thuộc vào kích cỡ tôm và tình trạng tôm chết. Những điều này có thể được phân tích bằng cách sử dụng phương pháp được nêu trong Bảng 3. Có thể sẽ phát sinh sự nghi ngờ về tình trạng bệnh hoặc mức độ nghiêm trọng của nó nếu tỷ lệ chết của những con tôm nhỏ ở mức thấp và tỷ lệ chết diễn ra chậm ở những con tôm lớn.
Bảng 3. Tiêu chí để quyết định nên thu hoạch khẩn cấp hay tiêu diệt quần thể tôm sau khi có tôm chết.
Thu hoạch là một hoạt động có rủi ro cao bất kể tình trạng sức khỏe của tôm, thậm chí còn rủi ro hơn trong trường hợp thu hoạch khẩn cấp. Cần có sự giám sát chặt chẽ của nhân viên về an toàn sinh học và đặc biệt chú trọng đến việc thu thập sinh vật bằng túi lưới tại các điểm xả ao, khử trùng kỹ địa điểm thu hoạch và thiết bị cũng như vận chuyển sản phẩm đến nhà máy chế biến một cách an toàn.
Chuỗi báo cáo
Báo cáo về tỷ lệ chết, dấu hiệu lâm sàng, hành vi bất thường hoặc kết quả xét nghiệm dương tính cần phải hiệu quả nhất có thể. Điều này đòi hỏi một chuỗi báo cáo càng ngắn càng tốt với việc truyền thông ngay lập tức.
Bài tập mô phỏng
Nên tổ chức một cuộc diễn tập mô phỏng áp dụng kế hoạch dự phòng nếu chưa có bất kỳ đợt thử nghiệm thực tế nào. Các hoạt động kiểm tra định kỳ về đợt bùng phát dịch bệnh nên được thực hiện để kiểm tra tính hiệu quả của các biện pháp ứng phó. Kế hoạch dự phòng cũng cần nêu rõ:
- Các quy trình chẩn đoán, và xác nhận chẩn đoán đối với trường hợp bệnh ngoại lai
- Quy trình báo cáo
- Hướng dẫn tiêu diệt hợp vệ sinh
- Hướng dẫn xử lý, tiêu hủy tôm trong trường hợp tôm chết
- Hướng dẫn cho việc di chuyển của nhân viên, phương tiện và động vật
- Hướng dẫn thiết lập ngăn cách khu vực dương tính và khu vực phòng vệ để theo dõi và kiểm soát sự lây lan tiềm ẩn của bệnh
- Quy trình khử trùng
- Quy trình bỏ hoang.
Theo Tiến sĩ Victoria Alday-Sanz
Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/designing-biosecurity-plan-shrimp-aquaculture-part-2/
Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital
Xem thêm:
- Sự Tương Quan Giữa Nuôi Và Nghiên Cứu Khoa Học Về Giun Nhiều Tơ
- Ảnh Hưởng Của Việc Bổ Sung Piperine Vào Khẩu Phần Đến Năng Suất Và Sức Khỏe Của Tôm Thẻ Chân Trắng Giai Đoạn Tôm Post
- Ảnh Hưởng Của Việc Sử Dụng Chế Phẩm Sinh Học (Sanolife PRO-W) Đến Hiệu Suất Tăng Trưởng Của Hệ Động Vật Meiofauna Và Cá Rô Phi Trong Ao Đất