Shrimp II: Thức ăn và quản lý

Liệu có thể tiêu chuẩn hóa các quy trình cho ăn tại trại giống hay không? Bài viết thứ hai trong chuỗi “câu chuyện về tôm”, các bên liên quan đã thảo luận về việc phát triển công thức thức ăn mới, việc cắt bỏ cuống mắt và tiềm năng của các công cụ quản lý mới.

Nguồn: Shutterstock

Tôm thẻ chân trắng được xem là đối tượng sản xuất đứng đầu năm 2020 Với sản lượng 5,8 triệu tấn (FAO). Một trong những chức năng vận hành quan trọng nhất trong nuôi tôm là cung cấp đầy đủ thức ăn để tôm tăng trưởng tối ưu và đây cũng là một trong những chi phí vận hành chính.

Nuôi và ương tôm vẫn là những khái niệm tương đối mới trong ngành dinh dưỡng động vật, đặc biệt là khi so sánh với chăn nuôi. Thomas Raynaud, trưởng bộ phận quản lý sản phẩm – Nuôi trồng thủy sản, ADM Animal Nutrition cho biết: “Chúng tôi đang tìm hiểu sắc thái của những điều kiện môi trường khác nhau giữa các quốc gia ở các khu vực khác nhau, cũng như điều chỉnh các chiến lược của mình để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng loài, bao gồm nhu cầu dinh dưỡng của chúng ở mọi giai đoạn sống”.

Có rất nhiều quy trình cho ăn trong trại giống liên quan đến thức ăn tươi sống, thức ăn chế biến và các chất phụ gia khác. Angel Gomez, giám đốc điều hành của Cargill Aqua Nutrition Latam North cho biết: “Ví dụ, đối với việc nuôi tôm, có nhiều loại thức ăn khác nhau tùy thuộc vào kích thước của bể, thức ăn sẵn có và cơ sở vật chất. Ngoài ra, cũng có nhiều phương pháp nuôi tôm khác nhau ở cấp độ thương phẩm. Ví dụ, ở Ecuador, nông dân thường giữ tôm post trong ao ương lâu hơn, điều này có nghĩa là khi chuyển sang ao nuôi, những con này thường sẽ có kích cỡ lớn hơn và có lợi thế hơn so với những con tôm post khác. Ở Mexico, với nhiệt độ thấp hơn, nông dân sử dụng hệ thống nâng nhiệt để kiểm soát nhiệt độ nước. Quan trọng là tìm ra giải pháp phù hợp cho từng nông dân dựa trên nhu cầu cụ thể của họ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của tôm.”

Giữa APAC và LATAM, mỗi khu vực áp dụng một phương thức sản xuất khác nhau ở cấp độ trại giống. Raynaud cho biết: “Ví dụ, ở các quốc gia như Ecuador và Ấn Độ, có rất nhiều thông số môi trường khác nhau ảnh hưởng đến sản xuất tôm. Tôm phải thích nghi với điều kiện môi trường tương ứng ở cả hai khu vực và do đó, có thể có những nhu cầu khác nhau. Chúng ta có thể nhìn thấy sự khác biệt này thông qua khả năng kháng bệnh, khả năng tiếp cận với các loại thức ăn cụ thể và chất lượng nước từ các nguồn nước khác nhau, ví dụ như Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nơi không có cùng nồng độ khoáng chất.”

Tiêu chuẩn hóa

Với tất cả những điều kiện và nhu cầu khác nhau, liệu có thể tiêu chuẩn hóa quy trình cho ăn tại trại giống hay không? Các bên liên quan trong ngành cho rằng sẽ khó có thể thực hiện được điều này vì nhiều lý do. “Mỗi trại giống là một sinh quyển độc đáo của riêng nó, thậm chí mỗi bể nuôi là một sinh quyển riêng và điều này liên tục thay đổi tùy thuộc điều kiện nuôi. Tôi chưa nhìn thấy một chiến lược cho ăn cố định nào cho tất cả các trại giống. Nếu xét theo hướng tổng quan, thì việc có được một quy trình cho ăn cố định có thể khả thi, nhưng đây là ngành tôm, là hoạt động nuôi trồng, và nó yêu cầu những kỹ năng nhất định cũng như sự chú ý đến từng chi tiết nhỏ mà một quy trình cho ăn cố định không thể xử lý được.” Eamonn O’Brien, giám đốc sản phẩm toàn cầu LifeStart tại Skretting cho biết.

Những gì có thể được tiêu chuẩn hóa là sản xuất tảo và Artemia. Stephen Newman, Giám đốc điều hành của AquaInTech Inc cho biết: “Thức ăn sống không được sản xuất đúng cách là nguồn ô nhiễm chính đối với ấu trùng và hậu ấu trùng. Việc đảm bảo an toàn sinh học cho quá trình sản xuất tảo và Artemia là rất cần thiết, tuy nhiên, các yếu tố khác của quy trình sản xuất giống không thể được tiêu chuẩn hóa.”

David Danson, giám đốc điều hành tại Hendrix Genetics cho biết: “Ở châu Á, các trại sản xuất giống tiên tiến nhất có hệ thống nuôi thức ăn sống chuyên dụng, một số cơ sở có quy mô tương đương với trại sản xuất tôm giống. Artemia, tảo và giun nhiều tơ được nuôi (thậm chí là nhân giống) để sản xuất thức ăn sống SPF. Ở Ecuador, với sự đa dạng về điều kiện và sản phẩm nuôi, việc thiết lập các quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) để hoạt động một cách hiệu quả trong mọi tình huống trở nên khó khăn.”

Nguồn: AquaInTech

Thức ăn cho tôm và những phát triển gần đây

Sự tiến bộ trong công nghệ sản xuất thức ăn đã mở ra cánh cửa cho việc phát triển thế hệ thức ăn mới, mang lại dinh dưỡng tối ưu và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cho tôm. Gomez nói: “Trước đây, nông dân sẽ sử dụng các sinh vật sống làm thức ăn, điều này có thể dẫn đến việc lây truyền bệnh. Ngoài ra, không có nhiều xét nghiệm đối chứng để kiểm tra xem tôm có nhiễm bẩn hay nhiễm trùng hay không. Một trọng tâm lớn trong những năm gần đây là tạo ra một chế độ ăn nhân tạo để giảm nguy cơ nhiễm bẩn.”

Công nghệ chế biến thức ăn cho tôm cũng đã phát triển. Raynaud cho biết: “Ngành nuôi trồng thủy sản đang nhanh chóng chuyển từ công nghệ ép viên sang công nghệ ép đùn khi phát triển thức ăn mới cho tôm, ví dụ như ở Ecuador, hiện có khoảng 30% thị trường sử dụng công nghệ ép đùn. Ngành tôm từ lâu đã gặp thách thức với thức ăn viên, gặp nhiều vấn đề với khả năng hòa tan trong nước vì một số thành phần có thể bị tan ra và làm mất đi đi giá trị dinh dưỡng. Khi chuyển sang công nghệ ép đùn, chúng tôi có thể duy trì tính toàn vẹn và ổn định của thức ăn khi ngâm trong nước nhưng chủ yếu là khi chúng tôi sử dụng hệ thống cho ăn tự động. Quá trình ép đùn cũng cho phép các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi kiểm soát kích thước hạt của thức ăn, điều này rất quan trọng khi xây dựng công thức thức ăn cho trại giống và trại ương.

Raynaud giải thích: “Đối với thức ăn cho trại ương, công nghệ ép đùn lạnh cũng đang trở nên phổ biến hơn. Cách tiếp cận này sử dụng nhiệt độ thấp hơn để tạo ra các lựa chọn thức ăn vừa dễ tiêu hóa vừa giàu chất dinh dưỡng với khả năng hoạt động tốt hơn và ổn định hơn trong nước.”

Công nghệ cũng đã cho phép sản xuất các hạt thức ăn nhỏ và thức ăn dạng lỏng. Gomez nói: “Kích thước của thức ăn là rất quan trọng, và chúng tôi hiện có khả năng sản xuất các hạt rất nhỏ. Đây là một cải tiến từ thức ăn viên cứng bị vỡ trong nước, dẫn đến việc tạo ra nhiều hạt nhỏ có kích thước không đều và tan ra trong nước. Những tiến bộ công nghệ này cho phép chúng tôi cung cấp đúng chất dinh dưỡng cần thiết cho tôm một cách nhanh chóng, tương tự như thức ăn dạng lỏng. Thức ăn dạng lỏng của chúng tôi được cung cấp ở dạng gel để tránh chất dinh dưỡng tan vào nước, điều này giúp tăng tốc độ tăng trưởng của tôm vì chúng nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.”

Ramir Lee, giám đốc kỹ thuật khu vực của Zeigler Bros., Inc cho biết: “Thức ăn dạng lỏng cung cấp các chất phụ gia và các chủng probiotics khác nhau trong các viên nang siêu nhỏ đi trực tiếp vào ruột ấu trùng và vào ma trận chất lỏng để cải thiện môi trường mà ấu trùng phụ thuộc vào. Khi được áp dụng đúng cách, những thức ăn tiên tiến này có thể là yếu tố thay đổi cục diện cho các trại sản xuất giống.”

Gomez nói: “Chúng tôi đang tập trung vào việc hỗ trợ khách hàng của mình tăng cường hoạt động bền vững và giảm lượng khí thải carbon. Một trong những nỗ lực của chúng tôi là phát triển thức ăn chăn nuôi có thể giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ biển bằng cách sử dụng các nguyên liệu thay thế. Điều này không chỉ giúp giảm lượng khí thải carbon mà còn đóng góp vào việc tạo ra một môi trường hoạt động bền vững cho khách hàng của chúng tôi và cả ngành tôm.”

O’Brien nói: “Là nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, chúng tôi đặt ưu tiên hàng đầu cho chất lượng của nguyên liệu mà chúng tôi sử dụng. Điều quan trọng là duy trì khả năng truy xuất nguồn gốc đầy đủ và đảm bảo tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học cần thiết. Chúng tôi cũng nhận thức về sự quan trọng của việc thực hiện những tuyên bố mà chúng tôi đưa ra. Chúng tôi hợp tác với các nhà sản xuất giống để tận dụng nguồn thức ăn một cách hiệu quả nhất trong môi trường trại giống cụ thể và tiếp tục hợp tác với họ để đảm bảo rằng mọi thứ luôn đi đúng hướng.”

Nguồn: Zeigler Bros

Cắt bỏ cuống mắt

Kỹ thuật này từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong ngành nuôi tôm và một số trại sản xuất giống hiện đang dần loại bỏ phương pháp này, nhưng vẫn còn một chặng đường dài cho đến khi loại bỏ được hoàn toàn.

Tại sao các trại sản xuất tôm giống vẫn áp dụng phương pháp này? Robins McIntosh, phó chủ tịch điều hành, Charoen Pokphand Food Company (CPF) cho biết nông dân nghĩ rằng tôm sẽ mất khả năng sinh sản nếu không cắt bỏ cuống mắt. “Khi chúng tôi phát triển thêm nhiều dòng tôm có khả năng sinh sản cao hơn, bạn có thể vận hành một hoạt động thương mại mà không cần cắt bỏ cuống mắt, và thức ăn đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện được điều này.”

Ngành tôm dường như đã ngừng sử dụng phương pháp này. Danson nói: “Việc cắt bỏ cuống mắt không còn là điều kiện tiên quyết đối với hầu hết những người nuôi tôm ở Ecuador. Ở châu Á cũng vậy, chúng tôi thấy rằng nông dân không sử dụng phương pháp này khi điều kiện nuôi tôm bố mẹ đã tối ưu, và hầu hết các chương trình nhân giống có cấu trúc tốt đều cung cấp đàn giống có thể sinh sản mà không cần cắt bỏ cuống mắt. Đây dường như là một trong những đặc điểm được xem là đã thành công trong việc chọn lọc và quản lý. Sinh sản mà không cắt bỏ cuống mắt có xu hướng tự nhiên hơn và tôm mẹ có thể sinh ra những con tôm khỏe mạnh và tốt hơn về lâu dài so với những con bị cắt bỏ cuống mắt.”

Newman giải thích: “Chuẩn mực cho nhiều công ty là sinh sản hàng loạt. Những con cái được đặt trong bể với những con đực trưởng thành. Có thể có một số lượng lớn tôm trong một bể. Điều này không cần thiết. Con cái có thể được thụ tinh thủ công, riêng lẻ hoặc được loại bỏ sau khi sinh sản và đặt vào bể chứa 55 gallon. Chúng sinh sản và sau đó chúng ta có thể theo dõi khả năng sinh sản và kết quả sinh sản của từng con. Bằng cách theo dõi từng cá thể, người ta có thể chọn những con có tần suất sinh sản cao mà không cần cắt bỏ cuống mắt.”

Melony Sellars, giám đốc điều hành của Genics cho biết: “Ngành tôm thẻ chân trắng L. vannamei toàn cầu đã ngừng sử dụng phương pháp này trong 4-6 năm qua. Chúng tôi cần thấy một số nhà lãnh đạo ngành công bố về lợi ích hiệu suất của phương pháp này và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy phương pháp cắt bỏ cuống mắt bị loại bỏ hoàn toàn khỏi ngành đối với tôm thẻ chân trắng L. vannamei. Khi các chương trình nuôi tôm sú P. monodon tiến xa hơn giai đoạn đầu của quá trình thuần hóa, điều tương tự cũng sẽ xảy ra với loài này, tuy nhiên, có ít chương trình hơn cho loài sú và những chương trình được thiết lập thường vẫn còn trong những năm trước đó.”

Lee nói: “Hiệu suất sinh sản được cải thiện đã cho phép một số công ty phát triển các chiến lược dựa trên việc sử dụng những con cái không bị cắt bỏ cuống mắt. Trong một số trường hợp, việc không cắt bỏ cuống mắt đã cải thiện sức khỏe của tôm bố mẹ, giảm nhu cầu thay thế tôm bố mẹ và cải thiện sản lượng cũng như sức khỏe của ấu trùng. Chi phí tôm bố mẹ chất lượng cao đòi hỏi phải tối đa hóa sản lượng nauplii. Dù cắt bỏ hay không cắt bỏ cuống mắt, năng suất trên mỗi con cái theo thời gian phụ thuộc vào đàn bố mẹ khỏe mạnh, điều kiện trưởng thành tối ưu và chế độ ăn của đàn bố mẹ chất lượng cao.”

Công cụ quản lý mới

Trong những năm gần đây, các nền tảng dựa trên dữ liệu, giải pháp cho ăn thông minh, phần mềm quản lý trang trại, công nghệ cảm biến từ xa bằng vệ tinh và giải pháp truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số đã được phát triển để số hóa ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao sản lượng.

Robin Pearl, Giám đốc điều hành của American Penaeid, cho biết: “Có rất nhiều cơ hội để nông dân quản lý và sử dụng các công cụ mới nhằm cải thiện sản lượng. Thật không may, việc áp dụng đã bị chậm lại do vấn đề kinh tế trang trại nói chung và yêu cầu đầu tư. Ngoài ra, có rất nhiều công cụ có sẵn cung cấp một giải pháp, nhưng không phải là giải pháp toàn diện.”

Lee nói: “Lợi tức đầu tư – ROI là vấn đề nằm trên vai của các nhà cung cấp. Cho đến khi những lợi ích trở nên rõ ràng và chính đáng, chỉ có một số lượng hạn chế các nhà vận hành sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến. Một trong những công nghệ quản lý quan trọng nhất giúp giảm chi phí trong nhiều trường hợp là áp dụng chế độ cho ăn chính xác. Việc cho ăn quá mức là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây suy thoái môi trường, amoniac và ô nhiễm đáy trong bể nuôi ấu trùng. Với các thế hệ thức ăn cao cấp mới cho phép cải thiện hiệu quả, cần phải chú ý nhiều hơn đến việc điều chỉnh và hiện đại hóa các quy trình cho ăn.”

Sellars nói: “Khi người nuôi tôm được hưởng lợi từ việc áp dụng các công nghệ mới này, họ có thể đầu tư vào việc sử dụng chúng. Tuy nhiên, nó liên quan đến mô hình thu hồi chi phí cho các công nghệ được sử dụng, thời điểm và cách thức người nông dân trả tiền. Tiềm năng của những tiến bộ công nghệ mà chúng ta đang thấy ngày nay sẽ thay đổi, định hình tương lai của ngành tôm và củng cố một phần tính bền vững lâu dài của ngành tôm toàn cầu của chúng ta.”

Raynaud nói: “Trong ngành tôm, thường xuyên có những cuộc tranh luận về mô hình sản xuất, thiết bị, thức ăn và chiến lược quản lý nào sẽ được áp dụng rộng rãi trong tương lai. Những quyết định như vậy phải xem xét chi phí cố định và chi phí vận hành, rủi ro dịch bệnh, tác động môi trường, xu hướng tiêu dùng, phúc lợi động vật, v.v.”

Lee nói: “Khi việc kinh doanh trại giống ngày càng trở nên cạnh tranh, thì áp lực cho việc giảm chi phí sẽ ngày càng lớn. Điều quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hạ nguồn của ngành là các trại sản xuất giống không được thỏa hiệp về chất lượng. Cuối cùng, vấn đề nhạy cảm nhất đối với lợi nhuận của trại sản xuất giống là sự sống sót của tôm post. Việc duy trì tỷ lệ sống cao đòi hỏi đầu tư và cung cấp hiệu quả thức ăn chất lượng cao.”

Olivier Decamp, giám đốc kỹ thuật nhóm tại Grobest, kết luận: “Nông dân là những người rất có kinh nghiệm, hiểu con tôm và trang trại của họ. Họ có quyền có được thông tin chính xác, đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí để đưa ra quyết định chính xác. Nếu không có thông tin, họ chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm của mình. Với sự tăng giá của tất cả các nguyên liệu đầu vào, dịch bệnh và thời tiết thất thường, các phương pháp đã thành công trước đây cho đến gần đây cần phải được xem xét gấp. Các công cụ kỹ thuật số mới hiện đã có sẵn để hỗ trợ quá trình ra quyết định của nông dân. Chúng có thể cải thiện hiệu quả cho ăn, đo lường các thông số nước hoặc tăng cường oxy hóa nước, dẫn đến tự động hóa một số hoạt động canh tác và mang lại hiệu suất cao hơn.”

Theo Hatchery Feed Management

Nguồn: https://hatcheryfm.com/news/latest-news/shrimp-ii-feed-and-management/

Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital

Xem thêm:

You cannot copy content of this page