Nghiên Cứu Mới Xác Nhận Tác Động Tích Cực Của Dầu Krill Có Chứa Astaxanthin Lên Sự Tăng Trưởng Của Tôm Thẻ Chân Trắng Trong Điều Kiện Độ Mặn Cao

Tiến sĩ Alberto J.P. Nunes chia sẻ những phát hiện mới nhất của ông từ một nghiên cứu kéo dài 74 ngày với tôm được nuôi thâm canh trong các hệ thống nhà kín và ngoài trời dưới stress độ mặn.

Giáo sư tiến sĩ Alberto J.P. Nunes, đã làm việc, nghiên cứu và giảng dạy trong ngành tôm. Nunes có nhiều kinh nghiệm quốc tế trong ngành thức ăn chăn nuôi ở Châu Mỹ Latinh và Châu Á. Nghiên cứu của ông tập trung vào hành vi ăn của tôm, nhu cầu dinh dưỡng, nguyên liệu thay thế, chất hấp dẫn và chất kích thích trong thức ăn, và quản lý thức ăn. Labomar có cơ sở nghiên cứu với hơn 300 bể nuôi, nơi Nunes đã thực hiện hơn 100 nghiên cứu ứng dụng về dinh dưỡng tôm.

Ở vùng đông bắc Brazil, tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei thường được nuôi thâm canh trong ao đất với điều kiện độ mặn cao trong mùa khô. Một nghiên cứu trước đây đã báo cáo rằng độ mặn quá cao sẽ ức chế sự tăng trưởng và giảm hiệu quả sử dụng thức của tôm giai đoạn chưa trưởng thành (Castro, Burri & Nunes 2018). Tuy nhiên, việc bổ sung các loại dầu có chứa axit béo không bão hòa cao (HUFA) vào chế độ ăn có thể khắc phục những ảnh hưởng này. Khi tôm thẻ chân trắng L. vannamei chưa trưởng thành được nuôi ở độ mặn 44 ± 2,0 g/L, cho ăn chế độ ăn có bổ sung dầu krill chứa astaxanthin trong 64 ngày, tổng hàm lượng n-3 HUFA trong chế độ ăn tối thiểu là 0,7% được cho là cần thiết để tránh làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Gần đây, một nhóm các nhà khoa học biển từ Instituto de Ciências do Mar (Labomar), Brazil và Aker BioMarine đã hợp tác để tìm hiểu xem liệu có thể khắc phục các tác động tiêu cực của điều kiện độ mặn cao trong nuôi tôm bằng cách bổ sung dầu krill có chứa astaxanthin và dầu đậu nành vào chế độ ăn hay không. Tiến sĩ Alberto J.P. Nunes, người đứng đầu nghiên cứu tại Labomar, chia sẻ một số thông tin về những phát hiện từ nghiên cứu mới này và cách áp dụng nó trong nuôi tôm thẻ chân trắng dưới điều kiện độ mặn cao ở cả Châu Mỹ Latinh và Châu Á.

Mục tiêu của nghiên cứu mới này là gì?

Nunes: Chúng tôi muốn tìm hiểu xem việc bổ sung dầu krill có chứa astaxanthin vào chế độ ăn, có hoặc không có dầu đậu nành, có tác động đến sự tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là ở độ mặn cao hay không. Điều kiện độ mặn cao (>35 g/L) có thể là tình trạng theo mùa hoặc lâu dài tại các trang trại nuôi tôm thương phẩm ở cả Châu Mỹ Latinh và Châu Á. Nó thường xảy ra khi nhiệt độ nước tăng và tốc độ bay hơi nước tăng. Độ mặn cao thường có thể được phát hiện trong các trang trại nuôi tôm ở vùng khí hậu bán khô hạn trong mùa khô; khi áp dụng hệ thống tuần hoàn nước hoặc thay nước ở mức tối thiểu; hoặc khi vận hành bể ương hoặc ao nuôi trong hệ thống nhà kín, tăng nhiệt độ trên 30°C nhằm kiểm soát sự bùng phát của virus gây bệnh đốm trắng.

Thử nghiệm được thiết lập như thế nào?

Đầu tiên, chúng tôi đã phát triển một giao thức thử nghiệm, tại đây chúng tôi có thể mô phỏng sự thay đổi độ mặn trong môi trường thức tế. Chúng tôi có 50 bể với dung tích 1.000L. Một nửa số bể này được thiết kế kín, có nắp nhựa cứng được phủ một tấm nhựa không thấm nước màu trắng đục, ngoại trừ hai lỗ cho thiết bị cho ăn tự động và đường ống sục khí. Thiết kế này nhằm giảm thiểu sự xâm nhập của nước mưa và tăng tốc độ bay hơi. Các bể còn lại được tiếp xúc hoàn toàn với nắng và mưa, nhưng có lưới chắn 8 mm để tránh tôm thoát ra ngoài. Bằng cách này, chúng tôi có cả hai hệ thống tiếp xúc với các mức độ mặn khác nhau trong suốt chu kỳ nuôi, nhưng chỉ những bể được thiết kế kín là liên tục duy trì điều kiện độ mặn cao.

Chúng tôi chia 7.182 con tôm chưa trưởng thành có trọng lượng khoảng 1,08g vào 50 bể kín và bể ngoài trời. Mật độ thả là 135 con/m2. Dầu đậu nành và dầu krill có chứa astaxanthin được sử dụng làm lớp phủ trên thức ăn thương mại chứa 37,8% protein thô. Các loại dầu được sử dụng kết hợp hoặc riêng lẻ cho các loại thức ăn khác nhau trong thí nghiệm, trong khi chế độ ăn đối chứng chỉ đơn giản là thức ăn công nghiệp không bổ sung bất kì loại dầu nào. Thử nghiệm có tổng cộng 4 nghiệm thức, 5 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Tôm được cho ăn bằng máy cho ăn tự động 4 lần/ngày và sau 74 ngày, mỗi con tôm được đếm và cân.

Những phát hiện chính của nghiên cứu là gì?

Có sự khác biệt rõ rệt về nhiệt độ nước, độ mặn và pH giữa hệ thống bể kín và bể ngoài trời trong suốt thời gian nuôi. Nhiệt độ nước ổn định trong hệ thống bể kín và tôm được tiếp xúc với điều kiện độ mặn cao lâu hơn trong các bể này, từ 42g/L xuống còn 29g/L so với từ 43g/L xuống còn 18g/L trong hệ thống bể ngoài trời. Độ mặn trung bình trong bể kín ở mức 36±4 g/L cao hơn đáng kể so với 31±6g/L trong bể ngoài trời. Chúng tôi đã xác nhận kết quả trước đó về tác động của độ mặn cao đối với sự tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của loài tôm này. Nhìn chung, chúng tôi đã phát hiện ra rằng tốc độ tăng trưởng hàng tuần, trọng lượng cơ thể cuối cùng, sản lượng, lượng thức ăn tiêu thụ và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn của tôm đều bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc bổ sung dầu krill có chứa astaxanthin và/hoặc bổ sung dầu đậu nành trong chế độ ăn.

Giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn (SD) của trọng lượng cơ thể cuối cùng (g) và sản lượng thu được (g/m2) của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei được nuôi trong bể 1000L kín và ngoài trời trong 74 ngày với mật độ 135 con/m2, được cho ăn thức ăn công nghiệp (đối chứng) và thức ăn công nghiệp được bổ sung hỗn hợp dầu krill có chứa astaxanthin (K) và dầu đậu nành (S) với tỷ lệ khác nhau (%). Dữ liệu thu được từ năm bể được biểu thị bằng giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn. Các chữ cái biểu thị sự khác biệt giữa các chế độ ăn trong cùng một hệ thống nuôi (P<0,05)

Tôm có thể đạt trọng lượng cơ thể cao hơn khi được cho ăn chế độ ăn bổ sung 1% dầu krill và 2% dầu đậu nành, khi ở trong các bể tiếp xúc với điều kiện độ mặn thấp hơn. Tuy nhiên, trong các bể kín, nơi độ mặn luôn được duy trì ở mức cao, để tối đa hóa trọng lượng cơ thể cần bổ sung cao hơn một chút là 2% dầu krill và 1% dầu đậu nành. Sản lượng tôm cũng có tác động tích cực bởi chế độ ăn có bổ sung dầu trong cả hai loại bể.

Dựa trên kết quả nghiên cứu này, ông có khuyến cáo nào giành cho người nuôi tôm không?

Rõ ràng là người nuôi tôm có thể giảm chi phí thức ăn bằng cách thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động do độ mặn cao. Chỉ cần thêm hỗn hợp dầu bổ sung vào thức ăn, bao gồm 1% dầu krill có chứa astaxanthin và 2% dầu đậu nành (ở độ mặn bình thường), người nuôi sẽ thấy tôm tăng trưởng nhanh hơn và cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn hơn. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với độ mặn cao, thì nên sử dụng tối thiểu 2% dầu krill có chứa astaxanthin và 1% dầu đậu nành.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng đã thảo luận về cơ chế đằng sau hiệu quả tăng cường này, dựa trên ba giả thuyết: cải thiện khả năng điều hòa thẩm thấu; mức năng lượng tiêu hóa cao hơn được cung cấp bằng cách bổ sung lipid trong chế độ ăn; và sự hiện diện của astaxanthin ester (930 mg/kg) trong dầu krill.

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/july-aug-2020/

Biên dịch: Huyền Thoại –  Bình Minh Capital

Xem thêm:

You cannot copy content of this page