Mô hình tôm – lúa: Hướng đi mới cho nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với hiểm họa sụt lún và xói mòn ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của việc khai thác cát và nước ngầm quá mức. Song song đó, mực nước biển cũng đang dâng cao khoảng 3mm/năm khiến cho tình trạng sụt lún ngày càng trầm trọng. Thực tế cho thấy phần lớn diện tích đồng bằng chỉ cao hơn mực nước biển vỏn vẹn 1 mét nhưng việc sụt lún lại diễn ra với tốc độ 4,3cm/năm và nước biển đã xâm nhập sâu vào đất liền hơn 70km, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Theo Viện Khoa học Tài nguyên Nước Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long đang mất đi 3 tỷ USD mỗi năm do ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn không chỉ là một vấn đề môi trường mà còn là một cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội bởi các loại cây trồng không thể phát triển trong môi trường nước mặn. Do đó, cần sớm tìm ra giải pháp ứng phó để tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc trong tương lai.

Ảnh: Cánh đồng tôm lúa ở tỉnh Bến Tre

Giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu 

Với sự cần cù và sáng tạo, người nông dân vùng đồng bằng đã tìm ra hướng đi mới thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình tôm – lúa không chỉ là mô hình sản xuất bền vững mà còn là chiếc phao cứu sinh về kinh tế của bà con vùng sông nước.

Mô hình tôm – lúa là một giải pháp canh tác thông minh, kết hợp hài hòa giữa trồng lúa và nuôi tôm trên cùng một diện tích đất, tạo nên một hệ sinh thái bền vững. Nhờ việc tận dụng tối đa tài nguyên đất và nước, mô hình này không chỉ nâng cao năng suất mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra một chu trình tuần hoàn khép kín, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người nông dân.

Ưu điểm của mô hình

Mô hình tôm – lúa được ví như một hệ sinh thái thu nhỏ, nơi mà mọi thành phần đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, tôm và lúa cộng sinh, cùng nhau phát triển. Đối với mô hình này, tôm được thả nuôi vào mùa khô khi độ mặn tăng cao và ngược lại, vào mùa mưa, khi nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về, bà con sẽ tiến hành trồng lúa. Tôm được sống trong môi trường tự nhiên, ăn các loại thức ăn có sẵn trong ao, không tiếp xúc với hóa chất, kháng sinh nên sức đề kháng rất tốt, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Ngược lại, chất thải của tôm sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cho lúa phát triển. Cứ thế luân phiên, tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín.

Sự luân chuyển giữa môi trường nước mặn và nước ngọt trong mô hình tôm – lúa đã tạo ra một hệ sinh thái độc đáo. Nước mặn mang đến các chất dinh dưỡng từ biển, cung cấp thức ăn tự nhiên cho tôm và tiêu diệt mầm bệnh cho lúa. Đến mùa mưa, nước ngọt lại cuốn trôi các chất ô nhiễm, làm sạch môi trường và mang đến nguồn nước tươi mát cho cây lúa. Sự tương tác giữa tôm, lúa, vi sinh vật và các yếu tố tự nhiên đã tạo nên một chu trình khép kín, bền vững.

Ảnh: Bà con đang thu hoạch lúa

Lợi ích kinh tế

Lúa trồng trong ruộng tôm, đặc biệt là các giống như ST24 và ST25, không chỉ thơm ngon mà còn mang giá trị cao trên thị trường. Nhờ được nuôi dưỡng trong môi trường giàu dinh dưỡng và tự nhiên, gạo từ ruộng tôm có giá bán cao hơn khoảng 80% so với các loại gạo thông thường. Bên cạnh đó, tôm nuôi trong hệ sinh thái này cũng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng vượt trội, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước Châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo WWF, nếu so với mô hình độc canh, mô hình lúa – tôm ở đồng bằng sông Cửu Long mang lại hiệu quả tích cực đáng ngờ:

  • Mô hình 1: Chỉ trồng lúa (giống ST24, ST25). Lợi nhuận trung bình 656 USD/ha/năm
  • Mô hình 2: Chỉ nuôi tôm sú. Lợi nhuận trung bình: 1.353 USD/ha/năm
  • Mô hình 3: Nuôi luân canh tôm sú và lúa (đồng thời vẫn thu hoạch được một số cua biển trong mùa nước mặn và tôm càng xanh trong mùa nước ngọt). Lợi nhuận trung bình: 2.650 USD/ha/năm

Bên cạnh lợi ích về kinh tế, việc luân canh giữa tôm và lúa giúp cải thiện chất lượng đất, tăng khả năng giữ nước, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai. Bằng cách tận dụng nguồn nước mặn và ngọt, mô hình này giúp nông dân giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn, hạn hán và lũ lụt. Đồng thời, nâng cao thu nhập cho người dân nhờ vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm, từ đó, mở ra hướng đi mới bền vững cho người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để tham khảo cách thêm một số mô hình nuôi tôm quảng canh hiệu quả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, mời bà con đón xem các nội dung sau:

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Trụ sở:

📍 Miền Trung: Thôn Hòa Thạnh, Xã An Hải, Huyện Ninh Phước, Tỉnh Ninh Thuận.

📍 Miền Tây: T11 – 4 Tầng 11, Tây Nguyên Plaza, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.

𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 86 68 69 – 1900 866 636

𝐖𝐞𝐛𝐬𝐢𝐭𝐞: 

📍 binhminhcapital.com

📍 binhminhbba.com

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí!

 

You cannot copy content of this page