Liệu EHP Có Phải Là Nỗi Lo Chính Liên Quan Đến Sức Khỏe Tôm Đối Với Các Nhà Sản Xuất Ở Châu Á?

Mặc dù chìa khóa để quản lý là thực hành giám sát dịch bệnh và an toàn sinh học nghiêm ngặt, nhưng tỷ lệ lây nhiễm trong các ao thử nghiệm đã tăng lên với tỷ lệ lây nhiễm trung bình là 84,8% vào năm 2019 và 93,5% trong nửa đầu năm 2020.

Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) là một loại ký sinh trùng thường lây nhiễm vào gan tụy của tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei). Giờ đây, nó được xem là mối quan tâm chính về sức khỏe đối với nhiều nhà sản xuất tôm trên khắp châu Á. Việc ăn phải bào tử sẽ làm cho các tế bào biểu mô trong các ống gan tụy bị nhiễm EHP. Do quá trình xuất bào hoặc do phá vỡ tế bào, sự sinh sôi nảy nở và giải phóng các bào tử sau đó tác động đến khả năng tiêu hóa của tôm, làm tôm chậm lớn và thay đổi đáng kể kích thước đàn tôm. Nhiễm EHP mãn tính có thể dẫn đến hao hụt đàn tôm.

Việc kiểm soát EHP trong trang trại là một thách thức. Chìa khóa để quản lý nằm ở việc thực hiện các biện pháp giám sát dịch bệnh và an toàn sinh học nghiêm ngặt, tức là kiểm tra dịch bệnh nghiêm ngặt đối với vật nuôi, thức ăn và nước nuôi tại mỗi điểm trong chuỗi sản xuất; không đưa các lô tôm giống và nước bị nhiễm bệnh vào ao, và không thả mật độ quá cao trong hệ thống nuôi. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo quản lý nước và chất thải hiệu quả, khử trùng toàn diện ao nuôi giữa các vụ nuôi. Do nguồn lây nhiễm chính thức của EHP vẫn chưa được xác định, nên việc loại trừ tất cả các sinh vật ngoại lai và ngăn chặn sự xâm nhập của chúng vào các hệ thống nuôi là điều cần thiết. Tương tự như vậy, nên hạn chế di chuyển thiết bị/dụng cụ giữa các ao trong trang trại trừ khi có các quy trình khử trùng chặt chẽ. Số lượng tôm, phương pháp lấy mẫu và các phương pháp chẩn đoán được sử dụng phù hợp để phát hiện sớm bệnh một cách chuẩn xác.

Phần quản lý dịch bệnh của dự án Cải thiện Tài nguyên Sức khỏe Tôm (SHRImp), một dự án được tài trợ bởi IDH-Sáng kiến Thương mại Bền vững và Quỹ Walmart, được quản lý bởi Đối tác Thủy sản Bền vững (SFP) và ThinkAqua, thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học hợp tác từ Benchmark R&D (Thái Lan), FAI Farms Limited và INVE Thái Lan đã thành lập các phòng khám sức khỏe tôm di động ở ba tỉnh của Thái Lan để hỗ trợ nhu cầu kiểm tra sức khỏe tôm của nông dân.

SHRImp

Các phòng khám hoạt động bên ngoài các câu lạc bộ tôm cung cấp dịch vụ đánh giá sức khỏe và xét nghiệm bệnh phân tử đối với hội chứng tôm chết sớm/hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND), EHP và hội chứng đốm trắng (WSSV). Nông dân có thể gửi mẫu tôm để xét nghiệm. Kết quả sẽ được gửi lại cho nông dân qua điện thoại và thông qua nền tảng phần mềm được thiết kế có mục đích chạy trên ứng dụng điện thoại di động-MyShrimp.farm. Quyền truy cập vào ứng dụng có nhiều lớp bảo mật, chỉ người nuôi mới có thể nhìn thấy kết quả xét nghiệm tôm của mình, và họ là người đưa ra quyết định có chia sẻ kết quả của mình hay không.

Có tổng cộng 129 trang trại, 451 ao và hơn 13.250 con tôm được xét nghiệm vào năm 2019. Tỷ lệ nhiễm trên 3 tỉnh dao động từ 44,1 – 95,2% (trung bình là 48,6%). Tỷ lệ nhiễm bệnh trong ao đất hoặc ao chỉ lót bờ cao hơn (65,9%) so với ao lót bạt hoàn toàn (46,3%). Xem xét các yếu tố kết hợp khác như hố siphon, kết quả cho thấy tỷ lệ lây nhiễm bệnh trong ao đất và ao chỉ lót bờ không có hố shiphon cao hơn (81,1%) so với ao lót bạt hoàn toàn và có hố siphon (60,9%). Phát hiện đáng lo ngại nhất từ nghiên cứu là tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục tăng, với kết quả xét nghiệm trong sáu tháng cuối năm 2019 cho thấy tỷ lệ lây nhiễm trung bình là 84,8%, trong khi xét nghiệm thêm 262 ao trong nửa đầu năm 2020 cho thấy tỷ lệ lây nhiễm là 93,5%.

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nhóm tác giả: Pau Badia, Nitrada Yamuen, Chatbongkot Meakniti, Kultida Khwankuea, Ratchakorn Wongwaradechkul, Audrey Burkard, Marius Nicolini, Tarinee Limakom, Anton Immink, Olivier Decamp, Ralf Onken và Andy Shinn

Nguồn: https://aquaasiapac.com/2021/02/04/is-ehp-now-the-key-health-concern-for-asian-shrimp-producers/

Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital

Xem thêm:

You cannot copy content of this page