Giun Nhiều Tơ Tươi SPF – Nhu Cầu Cấp Thiết Đối Với An Toàn Sinh Học Và Năng Suất Của Tôm Bố Mẹ

Việc sử dụng giun nhiều tơ đánh bắt tự nhiên ở Châu Á gây ra những rủi ro không mong muốn và mối lo ngại về an toàn sinh học cho các trại sản xuất tôm giống

Tra cứu trên Google về các biện pháp an toàn sinh học tốt nhất trong nuôi tôm sẽ cho ra một loạt các biện pháp khác nhau và điều này có thể gây khó khăn cho các kỹ thuật viên sản xuất tôm giống. Trong số tất cả các phương pháp, bạn sẽ thấy “giáo dục cho nông dân” được liệt kê, nhưng có rất ít thông tin được thêm vào danh mục này. Bài viết này sẽ tập trung cụ thể vào giun nhiều tơ tươi sống làm thức ăn cho tôm bố mẹ, đây được cho là nguồn thức ăn tươi sống quan trọng nhất cho toàn bộ chu trình nuôi tôm và cách chúng ta có thể nâng cao kiến thức, cách xử lý và tính sẵn có của sản phẩm này cho ngành.

Trên toàn cầu, chúng ta đã có nhiều kiến thức hơn về các biện pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn sinh học đầy đủ. Chúng ta đang sử dụng các nguồn tôm đầu vào tiên tiến nhất, từ tôm bố mẹ sạch mầm bệnh cụ thể (SPF) và kháng mầm bệnh cụ thể (SPR), đến thức ăn khô được sản xuất chất lượng cao, probiotic, hệ thống lọc và hệ thống xử lý nước tiên tiến về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đưa ra những quyết định mạo hiểm khi đề cập đến loại thức ăn tươi sống thường bị bỏ qua nhưng rất quan trọng và cần thiết cho sự trưởng thành của tôm và quá trình sản xuất tôm giống. Việc tìm nguồn cung và xử lý các loại thức ăn này, từ ấu trùng Artemia sống đến mực, hàu đông lạnh hoặc giun nhiều tơ sống hoặc đông lạnh, đang rất cần được cải thiện.

Rủi ro liên quan đến thức ăn tươi sống

Thức ăn tươi sống là vật trung gian truyền bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Đây là định nghĩa không thể chối cãi. Thức ăn tươi sống cũng mang lại nhiều lợi ích về hiệu suất mà thức ăn công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được, điều này gây nên nhiều khó khăn trong việc giảm sự phụ thuộc vào những loại thức ăn tươi sống này. Cho đến nay, nếu một trại sản xuất tôm giống đang sử dụng giun nhiều tơ làm thức ăn cho tôm bố mẹ, thì tiêu chuẩn ngành chủ yếu là tìm nguồn giun nhiều tơ đánh bắt tự nhiên tại địa phương. Điều này đòi hỏi cộng đồng địa phương phải tìm kiếm khắp bờ biển, cửa sông hoặc lòng sông để khai thác giun nhiều tơ, sau đó chúng được thu thập, đóng gói và gửi đến khách hàng.

Tuy nhiên, thật khó hiểu khi ngành của chúng ta kêu gọi thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững, nhưng vẫn tiếp tục mua nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức này, vốn được bảo vệ bởi Đạo luật Đa dạng sinh học năm 2002.

Hơn nữa, sự cạn kiệt nguồn giun nhiều tơ tự nhiên, đặc biệt là trong mùa mưa ở Ấn Độ và Việt Nam đã dẫn đến sự hình thành các công thức thức ăn cho tôm bố mẹ không thể dự đoán được.

Vấn đề nguy hiểm nhất đối với giun nhiều tơ đánh bắt tự nhiên tại địa phương là tỷ lệ nhiễm bệnh cao, bao gồm Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), Hội chứng chết sớm (AHPND/EMS) và Virus ánh kim (DIV1). Các bờ biển, cửa sông và lòng sông nơi tập trung giun nhiều tơ ở địa phương bị ô nhiễm nặng do nước thải từ các trại sản xuất giống và trang trại nuôi tôm.

Các tác nhân gây bệnh thường nằm trong trầm tích nơi giun nhiều tơ đào hang, cho phép dễ dàng xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa của chúng. Điều này có nghĩa là nguồn tôm bố mẹ SPF đầu vào đắt nhất trong chu kỳ sản xuất giống, thường được cho ăn giun nhiều tơ sống bị ô nhiễm. Hiện chưa có sự chấp thuận rộng rãi cho việc khử trùng giun nhiều tơ sống. Chỉ cần một lô giun nhiều tơ bị ô nhiễm thì tôm bố mẹ sẽ không còn là SPF nữa. Sự nhiễm bẩn này sẽ chuyển sang nauplii và dẫn đến post cũng bị nhiễm bệnh.

Giảm thiểu rủi ro

Giải pháp để giải quyết những rủi ro về ô nhiễm và nguồn cung không ổn định của giun nhiều tơ sống là gì? Đã có nhiều thời gian và nghiên cứu dành cho các thử nghiệm quy mô nhỏ trong các phòng thí nghiệm hoặc cơ sở R&D khép kín khác nhau. Ở đó, giun nhiều tơ bố mẹ đã được xác định và các chu kỳ nuôi đầy đủ đã đạt được những thành công nhỏ. Tuy nhiên, các phương pháp này không thể mở rộng thành quy mô thương mại. Đầu tiên, cần phải đầu tư đáng kể vào đất đai và cơ sở hạ tầng để nuôi số lượng lớn giun nhiều tơ thương mại. Cần phải có hàng chục hecta để đạt được năng suất sản xuất 200-300kg/ngày, điều này gây áp lực lớn lên các nhà sản xuất để đáp ứng năng suất sản xuất cụ thể và mang lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra còn có câu hỏi về an toàn sinh học liên quan đến nuôi giun nhiều tơ. Mỗi ngày, an toàn sinh học phải hoàn hảo để chống lại nguy cơ ô nhiễm cao. Chúng ta cũng nên chú ý đến các khuyến nghị của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), cơ quan hàng đầu trong việc giám sát dịch bệnh nuôi tôm trên cơ sở từng quốc gia. Có một lý do cụ thể tại sao các cơ sở tôm bố mẹ trưởng thành có trụ sở tại Hawaii; điều này là do OIE nhận ra rằng mầm bệnh trên tôm nuôi không tồn tại ở đó.

Chúng ta cũng cần hiểu rõ những gì tạo nên trạng thái SPF. Định nghĩa và giải thích toàn diện nhất đã được công bố bởi Alday-Sanz và cộng sự (2018). Trạng thái SPF đối với nuôi tôm được xác định như sau:

Các đàn vật nuôi SPF phải đến từ quần thể đã xét nghiệm âm tính với mầm bệnh cụ thể trong thời gian ít nhất hai năm liên tiếp, được nuôi trong các cơ sở an toàn sinh học cao, tuân theo các biện pháp quản lý an toàn sinh học nghiêm ngặt và được cho ăn bằng thức ăn an toàn sinh học. Để có thể duy trì và khẳng định trạng thái SPF, phải có một chương trình giám sát phù hợp đối với các mầm bệnh cụ thể, bao gồm cả công cụ phân tử và mô bệnh học.

Bài báo được trích dẫn bổ sung thêm ngữ cảnh cho định nghĩa SPF bằng cách nhấn mạnh khu vực địa lý của động vật nuôi, trong trường hợp này là giun nhiều tơ, phải là “nơi các mầm bệnh chính trên tôm không có hoặc có với tỷ lệ thấp”. Theo đó, để đủ điều kiện được chỉ định nuôi giun nhiều tơ SPF, vùng nuôi phải ở một quốc gia không có mầm bệnh tôm được liệt kê bởi OIE, với một chương trình giám sát thường xuyên (ví dụ: hai tháng một lần) thu thập các mẫu giun nhiều tơ từ mọi lưu vực hoặc ao nuôi, và kiểm tra tất cả các mầm bệnh được liệt kê trong OIE từ hoạt động nuôi tôm trong 24 tháng liên tục để đủ điều kiện đạt trạng thái không có mầm bệnh cụ thể. Những tiêu chí này dễ dàng chỉ ra lý do tại sao các trại sản xuất tôm giống chỉ muốn sử dụng tôm bố mẹ từ Hawaii.

Vào năm 2021, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát kéo dài 4 tháng ở Ấn Độ, bao gồm các cuộc phỏng vấn trực tiếp tại hơn 29 trại sản xuất tôm giống ở Andhra Pradesh vào tháng 4 và tháng 5 và sau đó là vào tháng 9 và tháng 10. Cuộc khảo sát cho thấy nỗi sợ hãi tột độ về sự hiện diện của EHP trong các loài giun nhiều tơ có nguồn gốc địa phương, nuôi hoặc đánh bắt tự nhiên. Phản hồi cũng thể hiện sự đồng thuận đối với các loại thức ăn tươi, đông lạnh như mực và hàu từ các nguồn đánh bắt tự nhiên ngoài khơi bờ biển California. Nguồn cung cấp thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ đơn giản không thể bắt nguồn từ một quốc gia sản xuất tôm. Chúng ta phải áp dụng tiêu chí nghiêm ngặt này về các nguyên tắc an toàn sinh học đối với tất cả các loại thức ăn tươi sống cho tôm giai đoạn trưởng thành.

Giun nhiều tơ nuôi không mang mầm bệnh cụ thể

Vậy, giải pháp nào có thể đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt này? Topsy Baits và Delta Farms từ Hà Lan là những trang trại nuôi giun nhiều tơ SPF quy mô thương mại duy nhất được biết đến trên thế giới và chúng vượt xa các tiêu chuẩn về trạng thái SPF. Tổ chức OIE công nhận Hà Lan không có mầm bệnh trên tôm nuôi (AHPND/EMS, EHP, SHIV/DIV1, IHHNV, IMNV, NHP-B, TSV, WSSV, YHV, CP/A astaci, MrNV, MBV, BP) có nghĩa là không có nguy cơ nhiễm bệnh do sản xuất tôm trong nước.

Bảng 1. So sánh thành phần gần đúng và thành phần axit béo của giun nhiều tơ; giun nhiều tơ SPF từ Châu Âu có lợi thế hơn giun nhiều tơ đánh bắt tự nhiên từ Việt Nam và Ấn Độ.

Topsy Baits đã thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm giun nhiều tơ định kỳ với chính quyền địa phương trong hơn 30 năm, và kể từ năm 2012, họ đã sử dụng Phòng thí nghiệm bệnh học nuôi trồng thủy sản của Đại học Arizona để xét nghiệm thường xuyên. Tình trạng SPF của giun nhiều tơ được xác nhận bởi hai nguồn độc lập, cho đến nay không có mầm bệnh nào được phát hiện. Đây là tiêu chuẩn chúng ta phải áp dụng cho bất kỳ thức ăn tươi sống nào.

Nuôi giun nhiều tơ bên ngoài vùng khí hậu nhiệt đới có nguồn gốc từ các nước nuôi tôm cũng có những lợi ích liên quan đến năng suất. Nereis virens, một loài giun nhiều tơ nước lạnh được nuôi bởi Topsy Baits và Delta Farms, chỉ có thể được nuôi ở những vùng khí hậu có nhiệt độ lạnh cụ thể (5-10°C). Nó có thành phần dinh dưỡng cao hơn đáng kể so với giun nhiều tơ địa phương được tìm thấy ở các nước nhiệt đới, như Ấn Độ và Việt Nam. Bảng 1 nêu bật thành phần dinh dưỡng của N. viren, cho thấy rõ sự vượt trội của nó trên tất cả các thông số khi so sánh với giun nhiều tơ đánh bắt tự nhiên được tìm thấy ở Ấn Độ và Việt Nam. Sự vượt trội về dinh dưỡng của N. viren, khi so sánh với giun nhiều tơ có nguồn gốc nhiệt đới, sẽ dẫn đến sự gia tăng số lượng nauplii trên mỗi con cái (Hình 1 và 2); tăng tỷ lệ giao phối và trưởng thành (Hình 3); phục hồi tốt hơn sau mỗi lần sinh sản (Hình 4), tăng chất lượng tinh trùng, tăng chất lượng trứng (tỷ lệ nở cao hơn) và cung cấp khả năng truy xuất nguồn gốc đầy đủ từ giun nhiều tơ đến con tôm post cuối cùng.

Giun nhiều tơ SPF được nuôi ở châu Âu. Nereis virens, một loài giun nhiều tơ nước lạnh được nuôi bởi Topsy Baits và Delta Farms, chỉ có thể được nuôi ở những vùng khí hậu có nhiệt độ lạnh cụ thể (5 đến 10°C).

Hình 1. Tổng số nauplii đã chọn được sản xuất; T1, tôm bố mẹ được cho ăn giun nhiều tơ tươi sống tại địa phương (Việt Nam) và T2 tôm bố mẹ được cho ăn giun nhiều tơ SPF từ Topsy Baits. Có 37 cặp tôm bố mẹ và thời gian thử nghiệm là 7 tuần.

Hình 2. Trọng lượng cá thể trung bình của tôm bố mẹ vào ngày đầu tiên đến khi kết thúc thử nghiệm (M=con đực; F=Con cái, Topsy = giun nhiều tơ SPF từ Topsy Baits, Hà Lan).

Hình 3. So sánh về sự thành thục và tỷ lệ giao phối (%) giữa tôm bố mẹ được nuôi bằng giun nhiều tơ tươi sống tại địa phương (Việt Nam) và tôm bố mẹ được nuôi bằng giun nhiều tơ SPF sống từ Topsy Baits (TB)

Hình 4. Sinh sản của tôm bố mẹ được nuôi bằng giun nhiều tơ tươi sống tại địa phương (Việt Nam) và tôm bố mẹ được nuôi bằng giun nhiều tơ SPF sống từ Topsy Baits. Số tuần kể từ lần sinh sản đầu tiên cho đến khi kết thúc thử nghiệm (Nghiệm thức 1 = 6 tuần và nghiệm thức 2 = 7 tuần)

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/jan-feb-2022/

Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital

Xem thêm:

You cannot copy content of this page