AsemconnectVietnam – Thị trường tôm đầu năm diễn biến chậm, doanh nghiệp Việt ngành tôm gặp nhiều khó khăn nên cần có giải pháp tháo gỡ thách thức
Tôm nguyên liệu thu hoạch tại ĐBSCL trong tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu giảm đều từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Ngoài ra, các nhà máy chế biến thủy sản cũng đã giảm bớt hoạt động sản xuất.
Mặt khác, các vùng nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh ven biển đang chuẩn bị vào vụ nuôi chính của năm mới, nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất nuôi tôm của nông dân. Tuy nhiên, những nông dân này lo ngại giá giảm mạnh và kéo dài nên ngại vào vụ thu hoạch sớm.
Chuỗi ngành hàng tôm đã gặt hái nhiều thành công trong năm 2022, với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021, đóng góp vào thành tích ấn tượng chung toàn ngành thủy sản đạt kỷ lục gần 11 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu cho cả năm; đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới.
Tuy nhiên, trong nỗ lực tận dụng cơ hội thị trường sau năm 2021, một năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành tôm cho rằng hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Chế biến tiên tiến giúp FIMEX VN duy trì đơn hàng xuất khẩu
Nhờ cơ cấu thị trường thay đổi và gia tăng chế biến tiên tiến, FIMEX VN, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm chủ lực ở ĐBSCL ghi nhận doanh thu xuất khẩu cao.
Năm 2022, doanh thu của FIMEX VN đạt gần 230 triệu USD, tăng gần 10% và lợi nhuận nhiều khả năng đạt trên 340 tỷ đồng, vượt kế hoạch 320 tỷ đồng.
Một trong những điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu của FIMEX VN là sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu thị trường. FIMEX VN đã mở rộng đáng kể thị phần tại Nhật Bản, từ 28,1% (2020), 38,9% (2021) lên 43,8% vào năm 2022. Năm 2022, chiến lược của FIMEX VN cũng thay đổi để tập trung hơn vào chế biến tiên tiến. Sản phẩm chế biến tiên tiến chiếm khoảng 55% sản phẩm của FIMEX VN. Cả hai sự thay đổi này đều nằm trong chiến lược “Thị trường, phân khúc thị trường, sản phẩm, khách hàng” mà FIMEX VN đã đề ra từ cuối năm 2020.
Chiến lược này sẽ là nền tảng vững chắc cho những năm tới khi tôm giá rẻ của Ecuador tràn vào thị trường Mỹ, khiến thị phần tôm Việt Nam sụt giảm.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, để mở rộng thị phần, từ năm 2021, FIMEX VN đưa ra mức giá bán tương đối thấp cho người tiêu dùng Nhật Bản. Năm 2021, nhờ nuôi tôm thành công, FIMEX VN có thể hạ giá thành tôm, tạo tiền đề cho những bước đi khác và đem lại lợi nhuận tốt.
Sóc Trăng: Sản lượng tôm năm 2022 đạt 353 nghìn tấn
Chiều 10/1, tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 75.355 ha (nước ngọt, nước lợ, nước mặn), vượt 0,47% kế hoạch (75.000 ha) và tăng 4,28% so năm trước. Tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng đạt 352.763 tấn, vượt 0,22% kế hoạch (352.000 tấn), tăng 0,6% so với năm trước (2.121 tấn).
Đối với tôm nước lợ, Sóc Trăng thả nuôi 54.660 ha, vượt 7,18% kế hoạch (51.000 ha), tăng 5,61% so năm trước. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 41.460 ha (75,9% diện tích thả nuôi), tôm sú là 13.200 ha.
Sản lượng tôm nuôi đến cuối năm 2022 đạt 201.000 tấn, tăng 4,04% so với năm trước. Trong đó, sản lượng tôm sú là 25.000 tấn, vượt 8,7%, sản lượng tôm thẻ chân trắng là 176.000 tấn.
Giá tôm nguyên liệu năm 2022 luôn biến động tùy theo kích cỡ và thời điểm trong năm nhưng cao hơn so với năm 2021. Giá tôm cỡ từ 20 con/kg trở lên bình quân tăng 38.000 đồng/kg.
Tôm Việt khẳng định vị thế tại thị trường Úc
Người Úc sử dụng tôm Việt Nam ngày càng nhiều, từ nhà hàng đến siêu thị lớn của Úc hay cửa hàng châu Á, tôm Việt Nam có mặt nhan nhản.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm sang Australia tăng trưởng mạnh. Tính đến ngày 15/10, xuất khẩu tôm sang Australia đạt gần 214 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng kỷ lục trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Thế mạnh của tôm Việt Nam không chỉ ở chất lượng, năng lực cung ứng mà còn là kỹ thuật chế biến tiên tiến, nỗ lực xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, địa phương và tổ chức.
Bạc Liêu hướng tới xuất khẩu tôm 1 tỷ USD
Tỉnh duyên hải phía Nam Bạc Liêu đặt mục tiêu nâng doanh thu xuất khẩu tôm lên 1 tỷ USD trong năm nay, so với mức 853 triệu USD của năm ngoái.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng phát triển bền vững.
Tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn.
Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết, nhiều nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn đã được hiện đại hóa, nâng cao công suất sản xuất.
Để Bạc Liêu phát triển thành trung tâm nuôi tôm, địa phương đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường, và rào cản kỹ thuật. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cùng với đó là tập huấn, nâng cao kỹ thuật cho nông dân.
Nguồn: http://asemconnectvietnam.gov.vn/Default.aspx?ZID1=8&ID1=2&ID8=126830&pagenum=0
Biên dịch: Nguyễn Thị Quyên –Bình Minh Capital