Thiết Kế Kế Hoạch An Toàn Sinh Học Trong Nuôi Tôm (Phần 1)

Các biện pháp giảm thiểu rủi ro thường bao gồm làm sạch và khử trùng thường xuyên để hạn chế lây truyền mầm bệnh.

Mục tiêu chính của việc nuôi tôm thương phẩm là tối đa hóa lợi nhuận, và do đó, an toàn sinh học (các hoạt động nhằm ngăn ngừa, kiểm soát và loại bỏ rủi ro đối với sức khỏe tôm) đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm tác động của dịch bệnh đối với sức khỏe của tôm. An toàn sinh học nên được coi là một công cụ hướng tới sự bền vững của ngành và đảm bảo hiệu suất kinh tế của hoạt động nuôi.

Không có kế hoạch an toàn sinh học tiêu chuẩn nào có thể áp dụng cho tất cả các hệ thống nuôi. Mỗi cơ sở cần xây dựng kế hoạch an toàn sinh học riêng cho mình. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết đầy đủ về thiết kế, hoạt động của cơ sở, kiến thức về tình trạng sức khỏe của động vật nuôi và các phương thức lây truyền mầm bệnh để xác định rủi ro cũng như phát triển các biện pháp an toàn sinh học có ý nghĩa.

Tiêu chuẩn

Trong quá trình đánh giá và xác định các biện pháp an toàn sinh học, cần tuân theo 3 nguyên tắc cơ bản:

  • Hợp lý: Các biện pháp an toàn sinh học cần được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học. Chính sách của công ty hoặc các biện pháp vệ sinh cá nhân của nhân viên không nên được tích hợp vào phạm vi của các biện pháp an toàn sinh học, mà phải tồn tại một cách độc lập.
  • Thực tế: Các biện pháp an toàn sinh học không được cản trở các hoạt động nuôi hàng ngày. Sự cam kết và tham gia của nhân viên là cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch, và sự tham gia của họ vào việc tối ưu hóa các biện pháp giảm thiểu rủi ro là điều đáng mong muốn.
  • Tính khả thi về kinh tế: Cân bằng giữa chi phí và lợi ích của các biện pháp an toàn sinh học là điều cần thiết.

Thiết kế

Để xây dựng một kế hoạch an toàn sinh học, cần tuân theo một loạt các bước, bao gồm việc thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại của vật nuôi, thiết kế và thực hiện các chương trình giám sát cũng như lựa chọn các mầm bệnh mục tiêu để kiểm soát. Các điểm rủi ro và các biện pháp kiểm soát phải được xác định. Năng lực chẩn đoán cũng phải được phát triển. Cũng cần phải xác định chiến lược dự phòng và lập kế hoạch để nâng cao nhận thức cho nhân viên.

Tình trạng sức khỏe

Đầu tiên cần xác định chính xác tình trạng sức khỏe và tình trạng lây nhiễm của vật nuôi trong cơ sở. Mặc dù một số mầm bệnh có thể đã được biết đến, nhưng cần phải thực hiện một đánh giá toàn diện. Để đạt được mục tiêu này, cần thiết kế một chương trình giám sát phù hợp, giảm thiểu số lượng mẫu cần thiết trong khi vẫn tối đa hóa thông tin nhận được.

Các tác nhân gây bệnh được liệt kê phải được xác định là những tác nhân cần kiểm soát hoặc loại trừ. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe ban đầu của vật nuôi và môi trường xung quanh, các tác nhân gây bệnh được liệt kê có thể chỉ đề cập đến những tác nhân có liên quan đến tỷ lệ chết cao, tác động kinh tế lớn hoặc có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và hiệu suất của vật nuôi. Danh sách này chỉ nên bao gồm các tác nhân gây bệnh chính và tránh đưa các tác nhân phụ như các như loài Vibrio vào danh sách.

Lây truyền mầm bệnh

Hiểu được cơ chế lây truyền của các mầm bệnh được liệt kê là rất quan trọng để thực hiện các biện pháp an toàn sinh học hiệu quả. Có hai con đường lây truyền chính và quan trọng đối với mầm bệnh ở tôm là lây truyền theo chiều ngang và lây truyền theo chiều dọc.

Lây truyền theo chiều ngang là lây truyền từ con tôm này sang con tôm lân cận hoặc vật chủ nhạy cảm khác, có thể lây truyền trực tiếp thông qua việc ăn thịt đồng loại hay ăn phải thức ăn bị nhiễm bệnh, thông qua nước (chung môi trường sống) hoặc thông qua việc ăn phải phân của tôm bị nhiễm bệnh.

Ngược lại, lây truyền theo chiều dọc là sự lây truyền bệnh từ tôm bố mẹ sang con cái của chúng. Điều này có thể xảy ra khi mầm bệnh hiện diện bên trong trứng, do đó, việc làm sạch và khử trùng trứng hoặc ấu trùng không ngăn ngừa được sự lây truyền mầm bệnh. Sự lây truyền theo chiều dọc cũng có thể xảy ra thông qua sự nhiễm trùng của buồng trứng hoặc tinh trùng, dẫn đến sự ô nhiễm trên bề mặt của từng quả trứng.

Tất cả các tác nhân gây bệnh, chẳng hạn như virus gây hội chứng đốm trắng, virus đầu vàng, virus Taura, vv., đều có khả năng lây truyền qua trứng. Đối với những trường hợp này, làm sạch và khử trùng trứng là một lựa chọn để ngăn chặn con đường lây truyền.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn lây truyền mầm bệnh theo cách này không đạt được nhiều thành công. Trong hầu hết các trường hợp, việc loại trừ mầm bệnh thông qua trứng đòi hỏi phải loại bỏ tôm bố mẹ bị nhiễm bệnh. Việc ăn phải phân bị nhiễm bệnh trong giai đoạn ấu trùng ban đầu cũng là con đường lây truyền phổ biến của các mầm bệnh đường ruột như bệnh do Baculovirus ở tôm he, bệnh còi do virus MBV (Monodon Baculovirus) trên tôm sú và virus gây hoại tử gan tụy.

Về mặt quản lý sức khỏe, virus trên tôm cần được coi là nguyên nhân gây nhiễm trùng dai dẳng. Một khi động vật bị nhiễm bệnh, chúng sẽ bị nhiễm bệnh suốt chu kỳ sống của chúng. Tình trạng tương tự xảy ra với vi khuẩn nội bào NPH (necrotizing hepatopancreatitis) và Streptococcus. Streptococcus là nguyên nhân gây nhiễm trùng ngoại bào, nhưng nó cũng có thành phần gây nhiễm trùng nội bào trong tế bào máu. Trong những trường hợp này, điều trị bằng kháng sinh chỉ thành công một phần vì khó tiếp cận được không gian nội bào.

Nhận diện rủi ro

Xác định và ưu tiên rủi ro là cơ sở để phát triển các biện pháp giảm thiểu. Chúng có thể được chia thành 2 nhóm chính. Một nhóm bao gồm các biện pháp nhằm kiểm soát việc đưa các tác nhân gây bệnh bên ngoài vào cơ sở nuôi. Nhóm còn lại bao gồm các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của mầm bệnh bên trong trong cơ sở nuôi.

Bước đầu tiên trong việc xác định an toàn sinh học từ bên ngoài là nhận diện và đánh giá tất cả các nguồn có thể đưa mầm bệnh vào hệ thống nuôi tôm. Các nguồn chính có thể là nguồn tôm giống, nguồn tôm bố mẹ mới, động vật giáp xác hoang dã trong nước di chuyển hoặc bò qua bờ, thức ăn tươi sống, nguồn nước đầu vào, chim hoặc côn trùng, phương tiện và trang thiết bị, con người, nước thải và chất thải rắn từ các nhà máy chế biến. Sau khi xác định những nguồn này, các biện pháp cụ thể để kiểm soát hoặc giảm thiểu rủi ro cần phải được thiết lập và thực hiện.

Đối với an toàn sinh học bên trong, bước đầu tiên là một lần nữa xác định lại tất cả các phương tiện có thể lây truyền mầm bệnh và xác định các quy trình thích hợp để kiểm soát hoặc giảm thiểu rủi ro. Khi xem xét nguy cơ lây lan mầm bệnh, có hai thông số chính. Một, có khả năng là một vật dụng nào đó như thiết bị, quần áo, giày dép, … mang theo virus truyền nhiễm, và hai là khả năng các virus đó tiếp cận vật chủ nhạy cảm.

Trong bất kỳ tình huống nào, khi tôm tiếp xúc với con người, phương tiện, trang thiết bị hay bề mặt đều có mức độ rủi ro nhất định. Điều này cũng áp dụng khi tiếp xúc với nước và đất/bùn ao, nhưng ở mức độ rủi ro thấp hơn.

Khi các hoạt động rủi ro khác nhau đã được xác định, các biện pháp giảm thiểu rủi ro cần được định rõ. Hầu hết các biện pháp sẽ yêu cầu quy trình làm sạch và khử trùng. Các biện pháp này cần được đưa vào các quy trình vận hành tiêu chuẩn để áp dụng thường xuyên.

Cần đặc biệt chú trọng đến hoạt động thu hoạch. Những điều này có nguy cơ rủi ro đặc biệt cao, vì chúng đòi hỏi một lượng lớn tôm và nước tiếp xúc với con người, phương tiện, trang thiết bị và bề mặt. Việc làm sạch bằng chất tẩy rửa mạnh và ngâm tất cả bề mặt thiết bị và phương tiện tại điểm thu hoạch là quan trọng để giảm thiểu rủi ro lây truyền mầm bệnh trong giai đoạn này.

An toàn sinh học bên trong

Một số công cụ được sử dụng trong sản xuất động vật có thể hỗ trợ an toàn sinh học nội bộ tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Bỏ hoang

Bỏ hoang là một phương pháp truyền thống trong nông nghiệp, đề cập đến đất được cày xới nhưng không được gieo hạt trong mùa sinh trưởng. Việc tạo khoảng trống trong sản xuất thủy sản tại một địa điểm đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý sức khỏe vì thời giai đoạn khô hạn có thể phá vỡ chu kỳ tái nhiễm. Việc này nên được thực hiện thường xuyên, thời điểm lý tưởng nhất là sau mỗi vụ nuôi.

Chiến lược cùng vào – cùng ra

Chiến lược cùng vào – cùng ra (All in/all out) thường xuyên được sử dụng trong sản xuất động vật trên cạn. Trong các hệ thống này, động vật được nuôi chung trong nhóm có cùng độ tuổi và kích cỡ. Động vật ở các độ tuổi khác nhau không được nuôi chung trong cùng một khu vực của cơ sở. Các nhóm này cùng nhau trải qua các giai đoạn sản xuất khác nhau. Khi một nhóm phát triển lên một giai đoạn nuôi mới, khu vực nuôi trước đó sẽ được dọn trống hoàn toàn, làm sạch và khử trùng. Chiến lược này làm giảm sự lây truyền bệnh bằng cách giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ động vật “già” hơn sang động vật “trẻ” hơn. Tất cả các động vật trong mỗi nhóm đều có hồ sơ vệ sinh và mức độ phát triển hệ thống miễn dịch tương tự nhau.

Ngăn cách

Ngăn cách là quá trình xác định các khu vực có thể duy trì ở trạng thái vệ sinh khác so với các khu vực xung quanh. Mục tiêu là giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh bằng cách tăng cơ hội kiểm soát trong việc duy trì các khu vực không có mầm bệnh cụ thể. Các khu vực ngăn cách nên càng nhỏ càng tốt về mặt chức năng và mỗi khu có thể có mức độ an toàn sinh học khác nhau, như các cơ sở nuôi dưỡng và ao nuôi thương phẩm. Trong trường hợp có một khu vực bị nhiễm bệnh, nên xây dựng các khu vực phòng vệ xung quanh để có thể theo dõi mầm bệnh và hiểu rõ hơn về sự lây lan của bệnh.

Đồng phục

Việc nhân viên di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác tiềm ẩn rủi ro vì quần áo, giày dép và cơ thể có thể đóng vai trò là vật mang virus. Để duy trì mức độ kiểm soát cao nhất về việc di chuyển của nhân viên, cũng như mang lại mức độ tự do cao hơn cho nhân viên, có thể triển khai hệ thống đồng phục dựa trên màu sắc, bao gồm cả giày. Mặc dù rủi ro do quần áo và giày dép bị ô nhiễm có thể không phải là cao nhất, nhưng việc triển khai hệ thống đồng phục đóng như vậy một vai trò quan trọng trong việc góp phần tạo cho nhân viên có ý thức ao hơn về vấn đề an toàn sinh học.

Hạn chế di chuyển phương tiện

Có vẻ như các virus còn sống trên phương tiện khó có thể tiếp cận vật chủ nhạy cảm. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm này vẫn tồn tại và việc di chuyển phương tiện đến những khu vực quan trọng cần được hạn chế. Thông thường, vì lý do kinh tế, không phải tất cả các biện pháp giảm thiểu rủi ro đều có thể được thực hiện cùng lúc. Trong những trường hợp như vậy, cần ưu tiên những biện pháp giải quyết rủi ro có ảnh hưởng cao nhất đến an toàn sinh học thay vì những áp dụng các biện pháp dễ thực hiện hơn hoặc ít tốn kém hơn.

Theo Tiến sĩ Victoria Alday-Sanz

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/designing-biosecurity-plan-shrimp-aquaculture-part-1/

Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital

Xem thêm:

You cannot copy content of this page