Trang trại Gokuldham ở Gujarat đã tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng, bao gồm quy trình xử lý nước bốn bước, loại bỏ bùn thường xuyên và hệ thống gièo 2 giai đoạn
Ao gièo và tôm trọng lượng 1,35g sau giai đoạn gièo 1.
Nông dân thế hệ thứ hai, Hetal Shantila Patel, đã đặc biệt trang bị cho mình bằng Thạc sĩ về Sinh học Thủy sinh để nâng cao kỹ năng quản lý nuôi trồng thủy sản và tiếp quản công ty của gia đình, Mindhola Foods, LLP, chuyên tập trung vào nuôi, buôn bán và xuất khẩu tôm. Ông đã ở trong ngành được 26 năm. Tuy nhiên, vào năm 2020, trang trại của ông phải đối mặt với các bệnh do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) và hội chứng phân trắng (WFS) gây ra; Hetal biết rằng ông phải thay đổi cách nuôi tôm thẻ chân trắng trong trang trại của mình.
Trong một bài thuyết trình tại hội thảo trực tuyến kéo dài 2 ngày do Hiệp hội các Chuyên gia Nuôi trồng Thủy sản tổ chức với chủ đề “Vượt qua những khó khăn trong nuôi tôm – Bài học từ Ấn Độ” vào tháng 1 năm 2021, Hetal cho biết: “Chúng tôi không thể tiếp tục theo lối mòn cũ. Các con sông đã bị ô nhiễm. Chúng tôi đã thêm giai đoạn gièo vào năm 2016, nhưng điều này vẫn chưa đủ. Vào năm 2020, chúng tôi đã bắt đầu hệ thống gièo hai giai đoạn tại trang trại Gokuldham. Mục đích là để giảm thời gian trong giai đoạn nuôi thương phẩm”.
Công ty có hai trang trại, một trong số đó là trang trại Gokuldham rộng 170 ha, có tổng cộng 220 ao và sản lượng năm 2020 là 390 tấn từ 34 ha.
Mô hình mới để nâng cao sản lượng
Chìa khóa của mô hình nuôi mới này là sự hoàn thiện của một số nguyên tắc trong nuôi tôm. Trong số đó có có các nguyên tắc về nước sạch và trong, ao nhỏ để dễ quản lý, sử dụng thiết bị sục khí với công suất 10HP/10.000kg, tuần hoàn để giảm rủi ro dịch bệnh và quản lý nước thải. “Việc loại bỏ bùn dựa trên tỷ lệ 2-3 giờ/100kg thức ăn và chúng tôi thay nước với tỷ lệ 3-4 tấn. Chúng tôi muốn giảm mọi rủi ro từ môi trường bên ngoài nên chúng tôi quyết định tuần hoàn nước qua các hồ chứa của mình.”
Hetal Shantila Patel bắt đầu nuôi tôm vào năm 1994. Đối mặt với các vấn đề về dịch bệnh, Hetal biết rằng ông phải thay đổi cách nuôi tôm thẻ chân trắng trong trang trại của mình.
“Tại sao tôi phải cơ cấu lại trang trại của mình? Trang trại Gokuldhamđã đạt năng suất rất tốt vào năm 2016 và 2017. Tôi có thể thu hoạch 154-159 tấn từ 8 ao với mức 20-21 tấn/ha. Nhưng sang năm 2018 và 2019, tình hình trở nên tệ hơn. Năm 2018, tôi chỉ thu hoạch được 133 tấn (17 tấn/ha), đến năm 2019 với 11 ao tôi chỉ thu hoạch được 109 tấn (13,7 tấn/ha). Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) tăng từ 1,39 lên 1,71 trong những năm này. Tỷ lệ sống trung bình thấp hơn ở mức 83% vào năm 2019, từ 96% vào năm 2017. Mật độ thả giống không thay đổi là 73-78 PL/m²,” Hetal giải thích.
Năm 2019, Hetal tái cơ cấu trang trại của mình, bao gồm 8 ao nuôi và 4 ao ương. Tỷ lệ diện tích nước ao là 70:30 (ao nuôi: ao xử lý). Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ, đến năm 2020, ông lại tiếp tục tái cơ cấu trang trại, giảm còn 40% diện tích nuôi và 60% diện tích nước, tức là hy sinh ao nuôi để lấy ao xử lý nước. Các ao rộng 1ha trước đây với độ sâu 1,8-2,0m được chia thành các ao có diện tích 0,2ha và sâu 1,2-1,4m để nuôi thương phẩm và gièo giống.
Ao nuôi thương phẩm có máy sục khí – quạt nước với tổng công suất 24HP.
Làm sạch và tuần hoàn nước để giảm rủi ro
Hetal trình bày chi tiết qui trình xử lý nước và cách ông tái tuần hoàn nước. “Chúng tôi lấy nước từ sông Mindhola, cách đó khoảng 1,5 km. Nước đi qua một loạt các ao lắng, sau đó được xử lý theo qui trình, đầu tiên là với 3ppm thuốc tím (PP), sau đó là 10ppm poly aluminium chloride (PAC) và cuối cùng là xử lý với clo ở mức 30ppm. Sau đó, nước được dẫn đến các ao chứa đã sẵn sàng để sử dụng trước khi chuyển sang ao gièo và ao nuôi thương phẩm. Chúng tôi đã phát triển một quy trình kết hợp quá trình trộn chậm và nhanh của PP và PAC trong các ao xử lý.”
“Chúng tôi sử dụng cùng một nguồn nước cho cả giai đoạn ương gièo và nuôi thương phẩm. Tất cả các ao đều có hố siphon cho tôm và bùn đáy được bơm đến ao chứa bùn. Nước đã sử dụng được đưa trở lại hệ thống xử lý của chúng tôi và chúng tôi bắt đầu làm sạch nước một lần nữa. Chúng tôi làm sạch các ao này hai tuần một lần.”
Chất lượng nước rất quan trọng, sau khi xử lý sơ cấp và thứ cấp, chất lượng nước được cải thiện rất cao từ 264NTU của nước sông xuống còn 37,2NTU sau ao lắng thứ hai. (NTU= đơn vị đo độ đục khuếch tán và là thước đo chất lượng nước uống).
Hetal cho biết: “Khi nước đã sẵn sàng để sử dụng, chúng tôi có nước sạch và trong ở mức 2,29NTU, trong khi nước uống là <1NTU. Chúng tôi bắt đầu với 70,68 carbon hữu cơ hòa tan (DOC) trong con sông thực sự bị ô nhiễm với nhiều các nhà máy ở thượng nguồn và kết thúc với DOC 5,58. Dữ liệu này cho thấy mức giảm 12 lần. Đây là cách chúng tôi quản lý”.
Kiểm tra khay và thu hoạch.
Hệ thống gièo hai giai đoạn
5 ao gièo lót bạt (900m²) được sử dụng để thả đợt 1 với mật độ 1.500 PL/m² trong 30 ngày để tôm đạt trọng lượng 1,35g. Trong giai đoạn gièo tiếp theo, những con tôm chưa trưởng thành này được thả với mật độ 500 con/m² trong ao 0,2 ha trong 29 ngày để đạt trọng lượng 9,1g. Cuối cùng, chỉ có 120 PL/m² được thả trong 23 ao nuôi thương phẩm có diện tích 0,2ha. Trong cả hai giai đoạn gièo, sục khí được cung cấp bởi máy sục khí và quạt nước với tổng công suất 34HP. Máy sục khí chạy hơn 24 giờ và quạt nước trong 13 giờ.
“Tỷ lệ sống đạt 91% sau giai đoạn gièo đầu tiên và đạt 89% ở giai đoạn gièo thứ hai. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng ngày (ADG) là 0,05g trong giai đoạn thứ nhất và chi phí để sản xuất một con tôm trọng lượng 1,35g rơi vào khoảng 1.25 INR vào năm 2020.”
Bài học quan trọng
Nhìn chung, mô hình nuôi mới của Hetal hoạt động tốt. Chu kỳ nuôi năm 2020 dành trung bình 53 ngày trong giai đoạn nuôi thương phẩm với mật độ thả trung bình là 123PL/m². ADG là 0,42g. Sản lượng là 127,6 tấn (27,7 tấn/ha). Tỷ lệ sống là 78% đối với tôm có trọng lượng 31,3g và FCR là 1,59. Giá trang trại là 369 INR/kg (5 USD/kg), lợi tức đầu tư (ROI) là 42%.
Hetal kết luận: “Tỷ lệ sống tổng thể thấp và bài học tôi rút ra là chúng ta cần chuyển tất cả tôm ra khỏi ao gièo sau mỗi lứa và làm sạch. Đối với các trang trại lớn, tôi khuyến nghị thả giống theo lô để sử dụng hiệu quả tất cả các cơ sở, để xác định chính xác ngày nuôi để thu hoạch và không kéo dài thời gian nuôi.”
Các giai đoạn khác nhau trong xử lý nước bao gồm, từ bên trái, các ao để trộn nhanh thuốc tím và poly aluminium chloride, các đường ống dẫn nước đi vòng quanh để tuần hoàn và bên phải là các bể chứa nước sẵn sàng để sử dụng.
Theo Aqua Culture Asia Pacific
Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/may-june-2021/
Biên dịch: Huyền Thoại –Bình Minh Capital
Xem thêm:
- Quản Lý Thức Ăn Trong Ao Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Litopenaeus Vannamei
- Tối Ưu Hóa Tự Động Hóa Thức Ăn: Cải Thiện Hệ Thống Cho Ăn Theo Thời Gian Và Theo Yêu Cầu Trong Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Litopenaeus Vannamei Trong Ao Nuôi Bán Thâm Canh
- Không Cắt Mắt Tôm Mẹ Penaeus Vannamei Có Thể Giúp Tăng Sức Chống Chịu Của Tôm Đối Với AHPND Và WSD