Thức ăn là chi phí biến đổi cao nhất đối với sản xuất tôm và việc quản lý thức ăn có ảnh hưởng lớn hơn đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn khi thu hoạch so với chất lượng thức ăn
Tôm kích cỡ đều và sạch khi thu hoạch, Indonesia.
Hầu hết người nuôi đều hiểu rằng để sản xuất tôm thành công cần phải tập trung vào việc quản lý trang trại (ở mức 50-60%), chất lượng và quản lý giống (20-25%) và chất lượng thức ăn phù hợp (ở mức 20-25%). Ngoài ra, chìa khóa để nuôi tôm thành công là động lực và sự tận tâm của nhân viên trang trại, điều quan trọng là tất cả nhân viên phải thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ một cách chính xác và không chậm trễ khi cần thiết.
Quản lý thức ăn chiếm 65-75% sự thay đổi trong hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) khi thu hoạch. FCR bị ảnh hưởng lớn không chỉ là do mỗi chất lượng thức ăn, mà còn do lượng thức ăn/lần, số lần cho ăn mỗi ngày, sự phân chia thức ăn trong ao và sự điều chỉnh lượng thức ăn.
Đường cong tăng trưởng tiêu chuẩn cho từng địa điểm sản xuất tôm cần được phát triển, điều chỉnh khi cần thiết và duy trì để quản lý ao và thức ăn một cách hợp lý. Tốc độ tăng trưởng hàng ngày của từng ao nên được theo dõi và so sánh với đường cong tăng trưởng tiêu chuẩn. Nếu tốc độ tăng trưởng nằm trong khoảng ±10% so với mức tiêu chuẩn, thì điều kiện ao nuôi và quản lý thức ăn ở mức chấp nhận được. Nếu tốc độ tăng trưởng thấp hơn đường cong tiêu chuẩn, người nuôi cần kiểm tra xem chất lượng nước, đáy ao và/hoặc sức khỏe vật nuôi có ở mức chấp nhận được hay không. Nếu mọi thứ đều tốt thì tiến hành tăng tỷ lệ cho ăn. Nếu đường cong tăng trưởng cao hơn đường cong tiêu chuẩn thì điều kiện ao tốt nhưng tỷ lệ sống có thể thấp hơn mong đợi. Xem xét giảm tỷ lệ cho ăn để duy trì FCR ở mức chấp nhận được.
Hình 1. Đường cong tăng trưởng tiêu chuẩn cho từng địa điểm sản xuất tôm cần được phát triển, điều chỉnh khi cần thiết và duy trì để quản lý ao và thức ăn hợp lý. DOC = ngày nuôi.
Chi phí biến đổi trong sản xuất
Chi phí thức ăn là chi phí biến đổi cao nhất trong sản xuất tôm. Chi phí thức ăn sẽ dao động từ 50-60% tổng chi phí sản xuất. Tỷ lệ phần trăm của tổng chi phí sẽ khác nhau tùy theo quốc gia hoặc khu vực do sự khác biệt về giá đối với nhân lực, điện, tôm giống và vật tư. Tuy nhiên, quản lý thức ăn cho tôm đúng cách sẽ đảm bảo chi phí thức ăn tổng thể ở mức có thể chấp nhận, làm tăng tính khả thi trong sản xuất tôm.
Quản lý thức ăn hợp lý cũng sẽ cải thiện sự ổn định của chất lượng nước và giảm suy thoái nền đáy ao. Hạn chế tình trạng thức ăn thừa gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước và độ sạch đáy ao.
Kích thước thức ăn khuyến nghị cho tôm
Thức ăn có đường kính nhỏ hiện nay được sử dụng khá phổ biến trong sản xuất tôm. Tôm sẽ cắn và nghiền thức ăn bằng hàm dưới nằm trước miệng và sau đó nuốt những hạt này. Vì vậy, kích thước của thức ăn viên ít quan trọng. Tuy nhiên, viên thức ăn nhỏ hơn sẽ có số lượng viên nhiều hơn trên mỗi kg thức ăn, đây là một lợi thế. Chất dẫn dụ, các vitamin và khoáng chất hòa tan trong nước sẽ thấm nhanh hơn từ thức ăn có kích thước nhỏ hơn. Các hạt thức ăn nhỏ hơn cũng dễ mất đi trong trầm tích ao (Bảng 1).
Bảng 1. Một số loại và kích cỡ thức ăn viên được khuyến nghị chung trong nuôi tôm liên quan đến trọng lượng cơ thể trung bình (ABW)
Thời gian và lượng cho ăn
Nên có một lượng thức ăn tối thiểu được phân bổ cho mỗi lần cho ăn theo diện tích ao và không nhất thiết phải theo tỷ lệ cho ăn dựa trên sinh khối của tôm dưới 4g (Bảng 2).
Bảng 2. Ví dụ về phân bổ thức ăn tùy thuộc vào số lần cho ăn/ngày.
Giám sát lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày
Đã có nhiều hệ thống được phát triển để theo dõi mức tiêu thụ thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên, hệ thống phổ biến và được áp dụng rộng rãi nhất là sử dụng khay cho ăn. Việc sử dụng khay ăn đúng cách phụ thuộc vào các kỹ thuật viên trang trại tận tâm và có kinh nghiệm. Những kỹ thuật viên này phải giải thích dữ liệu về mức tiêu thụ khay cho ăn, kích cỡ tôm, tỷ lệ sinh khối/tỷ lệ sống ước tính, điều kiện thời tiết và chất lượng nước tại thời điểm cho ăn.
Khay cho ăn thường có hình vuông hoặc hình tròn. Các cạnh của khay cho ăn phải cao 10 cm. Điều này rất quan trọng vì khi các khay được nâng lên từ từ, tôm sẽ vẫn còn trong khay ăn. Bạn có thể quan sát tình trạng sức khỏe của tôm cũng như độ đồng đều về kích cỡ. Các khay cho ăn được cân để chúng có thể chìm đều mà thức ăn không bị trào ra khỏi khay.
Nâng khay ăn từ từ cho phép quan sát tình trạng sức khỏe tôm và độ đồng đều về kích cỡ, Indonesia. Khay ăn thường có hình vuông hoặc hình tròn.
Khay cho ăn được gắn vào lối đi hai bên bờ ao. Lối đi phải kéo dài vào ao cách đê bao tối thiểu 2m. Khay cho ăn nên đặt cách đáy ao 30-50cm. Cần xây dựng lối đi chắc chắn để kỹ thuật viên có thể dễ dàng di chuyển khay ăn và quan sát tôm.
Lối đi bằng bê tông chắc chắn để kiểm tra khay ăn, Indonesia.
Nên bố trí tối thiểu 4 khay/0,5ha ao, bố trí các khay ở mỗi bên bờ ao. Ao lớn hơn sẽ cần nhiều khay cho ăn hơn; ao 1ha cần 6-8 khay và ao 2-3ha cần 8-10 khay. Để tính toán chính xác lượng thức ăn được cho ăn mỗi ngày, cần phải có cỡ tôm chính xác (g, mẫu lưới thả) và sinh khối ao chính xác (tỷ lệ sống x mật độ thả x kích cỡ nhưng điều này khó ước tính chính xác).
Mật độ thả giống thực tế có thể thay đổi từ 80% số lượng mua với quy trình vận chuyển, và thích nghi kém đến 120% với số lượng tôm khấu hao đi đường cộng với lượng thực tế đã mua. Phần trăm tỷ lệ sống được tính từ bảng thống kê không đáng tin cậy. Ước tính sinh khối phải là mức trung bình của 3 ngày liên tiếp dựa trên mức trung bình của mức tiêu thụ thức ăn để tính đến những biến động bình thường hàng ngày. Kỹ thuật viên trang trại giỏi có thể ước tính sinh khối không sai số quá 10% so với thực tế. Điều này rất quan trọng để giữ FCR thấp, đặc biệt là với tỷ lệ sống thấp. Kỹ thuật viên trang trại giỏi không chạy theo bảng cho ăn một cách mù quáng.
Mức tiêu thụ khay thức ăn
Đây là một công cụ để ước tính sinh khối và tỷ lệ sống bằng cách lấy mẫu trọng lượng tôm bằng cách sử dụng lưới quăng. Ước tính sinh khối cũng rất quan trọng khi thu hoạch bởi vì nó giúp xác định số lượng cần thiết cho thùng chứa và nước đá.
Kỹ thuật viên sẽ cần mức tiêu thụ thức ăn trung bình trong 3 ngày qua, mật độ thả ban đầu, ABW của tôm và bảng cho ăn để thực hiện các tính toán sau đây:
Lượng thức ăn tiêu thụ trung bình trong 3 ngày (kg)/% tỷ lệ cho ăn đối với cỡ tôm = kg sinh khối
kg sinh khối/ ABW(g) = số lượng quần thể tôm
Số lượng tôm/mật độ thả = Tỷ lệ sống (%)
Ví dụ: ABW = 14g, tiêu thụ thức ăn trung bình trong 3 ngày = 65kg, mật độ thả = 200.000 con, tỷ lệ cho ăn cho tôm có kích cỡ 14 g = 2,7%;
65kg/0,027 = 2,407kg sinh khối
2.407kg/14g = 146.214 con tôm
146.214 con/200.000 con = 73,1%
Quản lý thức ăn tốt đòi hỏi phải kiểm tra tỷ lệ tiêu thụ thức ăn thực tế sau mỗi lần cho ăn hoặc ít nhất là hàng ngày (Bảng 3). Lượng thức ăn tiêu thụ có thể được so sánh với ngày hoặc nhiều ngày trước đó và có thể thực hiện các điều chỉnh. Thông thường, tốc độ cho ăn có thể được điều chỉnh ở mức tăng từ +5% đến giảm -10%. Cần chú ý giảm tỷ lệ cho ăn để duy trì chất lượng nước tốt và FCR thấp khi thu hoạch.
Bảng 3. Các chương trình quan sát khay ăn
Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng của tôm luôn thấp hơn đường cong tăng trưởng tiêu chuẩn và chất lượng nước ở mức có thể chấp nhận được, hãy xem xét tăng lượng cho ăn. Mức tiêu thụ thức ăn hàng ngày chính xác cũng sẽ giúp xác định sinh khối đứng của tôm.
Tối thiểu 75% số khay (3 trong số 4 khay) phải được chấm điểm để điều chỉnh tốc độ cho ăn. Ví dụ: điểm là 0000 hoặc 0001, tỷ lệ ăn sẽ được tăng thêm 5%. Điểm 0011 hoặc 1111 hoặc 1122, tỷ lệ ăn sẽ giữ nguyên. Điểm 1222 hoặc 2222, tỷ lệ ăn sẽ giảm 10% (Bảng 4).
Bảng 4. Phân bổ điểm và các chương trình điều chỉnh cho ăn dựa trên thức ăn còn lại trong khay.
Phần lớn thức ăn được tiêu thụ trong 2 tháng cuối của chu kỳ sản xuất tôm (Bảng 5). Quản lý thức ăn thích hợp hơn trong thời gian này là rất quan trọng. Trong 30 ngày đầu tiên, tỷ lệ thức ăn được cho ăn là nhỏ, do đó nên cho ăn nhiều lần.
Bảng 5. Lượng thức ăn tiêu thụ trong tháng theo chu kỳ 90 ngày, chu kỳ 120 ngày
Khái niệm quản lý thức ăn
Bảng cho ăn chỉ là “hướng dẫn”. Trong điều kiện bình thường, lượng thức ăn tiêu thụ thực tế hàng ngày sẽ dao động trong khoảng 5-20%. Điều này chủ yếu là do điều kiện ao nuôi, nhiệt độ, oxy hòa tan, đáy ao, sức khỏe động vật và các yếu tố biến động khác. Do đó, trang trại có thể thiết lập một bảng cho ăn chi tiết, nó có vẻ ổn, nhưng sẽ không có giá trị nếu lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày không được đo lường chính xác (Bảng 6).
Bảng 6. Tỷ lệ cho ăn của tôm (Litopenaeus vannamei)
Cho ăn nhiều lần trên ngày với lượng thức ăn ít sẽ tốt hơn so với cho ăn ít hơn nhưng lượng thức ăn lớn hơn. Tôm sẽ ăn nhiều thức ăn hơn nếu được cho ăn nhiều lần, dẫn đến tăng trưởng nhanh hơn và FCR thấp hơn. Một lợi ích bổ sung nữa là chất lượng nước sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, mỗi lần cho ăn tối thiểu 5kg thức ăn bất kể mật độ nuôi như thế nào, với 2 lần cho ăn/ngày thì tối thiểu 10kg thức ăn/ngày.
Tỷ lệ cho ăn để FCR thấp nhất và tăng trưởng nhanh nhất thay đổi từ 10-15%. Nếu mong muốn tốc độ tăng trưởng cao hơn, trang trại có thể tăng lượng cho ăn hàng ngày lên 15%. Nhưng khi tốc độ tăng trưởng tăng 10% (20g lên 22g) thì FCR tăng 0,2-0,3 điểm (FCR 1,5 lên 1,7-1,8). Chất lượng nước cũng cần được theo dõi cẩn thận hơn vì sẽ có thêm 15% thức ăn bổ sung vào ao hàng ngày. Để đạt được FCR thấp nhất, nên cho ăn ít hơn một chút so với mức tôm no. Tôm có thể tìm kiếm thức ăn ở đáy ao, nhưng nếu quan sát thấy có quá nhiều cặn lắng trong cột nước thì người nuôi nên tăng lượng cho ăn (Bảng 7).
Bảng 7. Ngày nuôi (DOC) với tỷ lệ sống ước tính (%) dựa trên +/- 70% tỷ lệ sống khi thu hoạch.
Bùn và chất thải được tích tụ ở khu vực trung tâm do tuần hoàn nước, Indonesia
Chất lượng nước và đáy ao ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và FCR của tôm. Cho ăn quá mức là nguyên nhân chính khiến cho chất lượng ao nuôi đi xuống. Nếu điều kiện ao xấu, trang trại nên thay nước và/hoặc giảm lượng thức ăn mỗi ngày cho đến khi điều kiện ao được cải thiện.
Oxy hòa tan thấp và nhiệt độ nước thấp trực tiếp làm giảm sự thèm ăn của tôm và mức độ tiêu thụ thức ăn. Nếu hai thông số chất lượng nước này không tối ưu, tôm sẽ giảm cảm giác thèm ăn và điều nên làm là giảm tỷ lệ cho ăn. Nếu oxy hòa tan thấp và nhiệt độ nước đạt ở mức thấp vào buổi sáng, tỷ lệ cho ăn cũng nên giảm. Khi oxy hòa tan và nhiệt độ tăng lên trong ngày, sự thèm ăn của tôm sẽ tăng lên.
Tôm là loài biến nhiệt; chúng là động vật máu lạnh khác với động vật máu nóng trên cạn. Sự thèm ăn và tăng trưởng của chúng được điều chỉnh bởi nhiệt độ nước bên ngoài. Nhiệt độ nước thấp hơn trực tiếp làm giảm quá trình trao đổi chất và tăng trưởng của tôm. Cứ chênh lệch nhiệt độ 1°C thì có sự khác biệt 8-10% về tốc độ tăng trưởng; 30°C sẽ tăng trưởng nhanh hơn 15% so với 28°C.
Buổi sáng tôm thường ăn ít thức ăn hơn buổi chiều. Nhiệt độ nước hàng ngày sẽ dao động trong ngày do sự khác biệt giữa các vùng và thời tiết: gió, mưa, mây. Sự dao động nhiệt độ nước gây khó khăn cho việc ước tính mức tiêu thụ thức ăn thực tế tại bất kỳ thời điểm cho ăn nào.
Hiện tại, tôm cải tiến di truyền được nhân giống để đạt hiệu suất tăng trưởng tối đa. Tốc độ tăng trưởng của tôm là căng thẳng sinh lý chính đối với động vật. Tốc độ tăng trưởng của tôm càng nhanh thì áp lực lên tôm càng lớn. Vì vậy, các thông số chất lượng nước phải ổn định; chất lượng nước tốt dẫn đến ít năng lượng hơn để duy trì động vật. Các thông số chất lượng nước quan trọng bao gồm oxy hòa tan, pH, độ mặn và độ trong và trong số đó, oxy hòa tan là quan trọng nhất. Nồng độ oxy hòa tan thấp làm giảm hoạt động và trao đổi chất. Các đàn tôm cần mức oxy hòa tan tối thiểu và ổn định là 6,0ppm. Ở mức độ thấp hơn, tôm có thể không chết nhưng không phát triển ở mức tối ưu.
Các mức sục khí thích hợp không chỉ được sử dụng để duy trì mức oxy hòa tan mà còn để trộn lẫn lớp nước lạnh hơn ở đáy ao với lớp nước ấm hơn trên mặt. Trong ao sâu 1m, nếu không trộn nước đúng cách, chênh lệch nhiệt độ giữa lớp nước tầng trên và tầng dưới có thể là 2°C. Oxy hòa tan cao hơn và nhiệt độ nước ấm hơn ở đáy ao sẽ cải thiện năng suất vật nuôi.
Với điều kiện thời tiết bất thường và điều kiện chất lượng nước luôn biến động trong các hệ thống sản xuất ngoài trời, không có nhu cầu và lượng dinh dưỡng cố định hàng ngày cho tôm. Tôm ăn nhiều hay ít thức ăn tùy theo nhu cầu sinh lý của chúng tại một thời điểm. Nếu không có sẵn thức ăn, chúng sẽ tìm kiếm thức ăn trong môi trường nuôi. Vào thời điểm tôm bị căng thẳng do các vấn đề về chất lượng nước, nên giảm 50% lượng thức ăn cho ăn hoặc ngừng cho ăn hoàn toàn trong 2 đến 4 ngày. Tôm sẽ tự kiếm ăn và “làm sạch” đáy ao, giảm sự phát triển quá mức của tảo.
Khi thay đổi kích thước thức ăn, nên có khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày để trộn cả hai loại thức ăn theo tỷ lệ 50:50. Điều này sẽ làm cho quá trình chuyển đổi từ kích thước này sang kích thước khác mượt mà hơn và không làm giảm mức tiêu thụ thức ăn. Khi kích thước thức ăn thay đổi đột ngột, có thể có 2-3 ngày tiêu thụ thức ăn thấp hơn do tôm học cách thích nghi với thức ăn mới. Điều này chủ yếu là do mức độ và loại chất dẫn dụ có thể thay đổi một chút trong công thức và/hoặc điều kiện chế biến thức ăn.
Tôm thẻ chân trắng sạch còn nguyên ruột sau 1 giờ khi cho ăn, Indonesia.
Tôm là động vật sống về đêm và hoạt động nhiều hơn vào ban đêm. Tôm tích cực kiếm ăn vào ban đêm và thông thường sẽ tiêu thụ 50-60% lượng thức ăn vào ban đêm. Tuy nhiên, hành vi kiếm ăn này trở nên phức tạp do nhiệt độ nước thấp hơn và nồng độ oxy hòa tan thấp hơn. Mức oxy hòa tan giảm vào ban đêm vẫn sẽ tiếp tục giảm khi mặt trời mọc và chỉ bắt đầu tăng sau khi mặt trời mọc khoảng 2 giờ.
Tránh cho ăn ở giữa ao, nơi tích tụ bùn và chất thải do có hố siphon. Khu vực này sẽ có khí độc như hydro sunfua từ vật liệu hữu cơ đang phân hủy. Một lớp vật liệu oxy hóa sẽ bao phủ khu vực bùn và nếu lớp này bị xáo trộn, các khí độc này sẽ được giải phóng vào nước ao.
Theo Aqua Culture Asia Pacific
Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/july-aug-2022/
Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital
Xem thêm:
- Sự Khác Biệt Về Hệ Vi Sinh Vật Đường Ruột Ở Tôm Thẻ Chân Trắng Trong Hệ Thống Nhà Kính Và Hệ Thống Aquaponic
- Liệu Vi Tảo Có Thể Là Tương Lai Của Siêu Thực Phẩm Bền Vững Không?
- Sự Thay Đổi Địa Chấn Trong Thương Mại Thủy Sản Toàn Cầu