Tóm Tắt
Synbiotic là một chất bổ sung trong chế độ ăn uống với sự kết hợp giữa probiotic và prebiotic. Synbiotic tác động có lợi đến động vật chủ bằng cách cải thiện sự cân bằng đường ruột, sức khỏe và tăng trưởng của chúng. Probiotics là thức ăn bổ sung vi sinh vật sống, còn prebiotics là các thành phần thức ăn không tiêu hóa được, ảnh hưởng có lợi đến vật chủ bằng cách kích thích sự phát triển và hoạt động của vi khuẩn đường ruột. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi khuẩn đường tiêu hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng và sức khỏe của sinh vật chủ. Một số phương pháp thay đổi hệ vi sinh đường ruột để đạt được những hiệu quả tích cực như tăng cường sự tăng trưởng, tăng khả năng chống lại mầm bệnh, và kích thích hệ thống miễn dịch tốt hơn của vật chủ đã được nghiên cứu trên tôm và cá. Synbiotics được sử dụng để thay thế cho các loại thuốc kháng sinh với mục đích tăng cường sự tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn cho sinh vật thủy sinh. Tuy nhiên, chúng có liên quan đến những rủi ro khôn lường đối với sức khỏe con người. Các nghiên cứu về việc sử dụng prebiotic đơn lẻ hoặc kết hợp với probiotic (synbiotic) ở vật nuôi trong trang trại hoặc trong nuôi trồng thủy sản đã cho thấy sự cải thiện về mức tiêu thụ năng lượng từ các nguồn thức ăn khác nhau, tăng sự kết hợp của protein để tăng trưởng, nâng cao khả năng miễn dịch và khả năng kháng bệnh của sinh vật chủ. Mặc dù các phương pháp tiếp cận probiotic đã được sử dụng rộng rãi nhưng khả năng sống sót sau khi sử dụng chúng vẫn chưa được chắc chắn. Prebiotic được lựa chọn sử dụng để kích thích một số vi khuẩn đường ruột (Bifidobacteria spp và Lactobacilli) nhưng có thể làm giảm số lượng của một số vi khuẩn có lợi trong ruột kết (Aeromonas spp và Carnobacterium spp). Khái niệm synbiotic còn tương đối mới đối với ngành nuôi trồng thủy sảnvà nó được coi như một biện pháp để giải quyết các vấn đề liên quan tới việc sử dụng prebiotic và probiotic đơn lẻ. Mặc dù việc sử dụng prebiotic và probiotic mang lại ảnh hưởng tích cực đối với các loài trong nuôi trồng thủy sản, nhưng những nghiên cứu về lợi ích của việc sử dụng chúng vẫn còn hạn chế. Do đó, nghiên cứu này trình bày các báo cáo về tác dụng, phương thức hoạt động cũng như các ứng dụng tiềm năng của synbiotics trong nuôi trồng thủy sản.
1.Giới thiệu
Nuôi trồng thủy sản dược coi là một trong những ngành sản xuất lương thực thực phẩm phát triển nhanh nhất trên thế giới, ước tính với tốc độ 18% mỗi năm trong sản xuất và 17,8% mỗi năm trong kinh doanh nuôi trồng thủy sản từ năm 1997-2008. Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu đang chiếm trên 45% tổng lượng thức ăn từ biển được tiêu thụ và đã trở thành một hoạt động kinh tế quan trọng ở nhiều quốc gia. Một trong những phương thức sản xuất nhằm gia tăng sản lượng trong nuôi trồng thủy sản là thâm canh. Nhưng phương pháp này có thể dẫn đến tình trạng suy yếu của sinh vật nuôi do chất lượng nước bị suy giảm và vấn đề về căng thẳng tăng cao. Có thể thấy, sự phát triển nhanh chóng của ngành nuôi trồng thủy sản luôn đi kèm với các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, hiệu quả sử dụng thức ăn và năng suất tăng trưởng. Do đó, các yếu tố như dịch bệnh bùng phát, tăng trưởng kém và tỷ lệ chết là đã làm giảm đáng kể sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản ở Châu Phi. Hai yếu tố nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ các nhà nuôi trồng thủy sản là sự tăng trưởng kém và khả năng kháng thuốc của các tác nhân gây bệnh. Mục đích mà họ hướng tới là tăng khả năng tăng trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn và sức đề kháng của các sinh vật nuôi. Theo truyền thống, thuốc kháng sinh được bổ sung vào chế độ ăn để phòng ngừa và điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra cho sinh vật nuôi. Theo báo cáo, kháng sinh có thể nâng cao tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn bằng cách tiêu diệt hệ vi sinh đường ruột, do đó làm tăng khả năng sử dụng axit amin của vật chủ ở một số loài động vật. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh có thể gây ra một số tác động tiêu cực như sự phát triển của các chủng vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh cao, phá hủy hệ vi sinh vật trong môi trường, ức chế miễn dịch và sự tồn dư lượng kháng sinh trong cơ thể sinh vật nuôi đối với người tiêu dùng. Một vấn đề nữa liên quan đến việc sử dụng kháng sinh cho sinh vật nuôi (cá và tôm) là chúng tốn nhiều chi phí và không có sẵn ở nhiều trang trại. Do đó, việc bổ sung các chất như probiotic, prebiotics, synbiotics hoặc các chất kích thích miễn dịch khác vào chế độ ăn là những lĩnh vực chính đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà nuôi trồng thủy sản. Synbiotics được coi là một thực phẩm chức năng – một khái niệm mới trong ngành nuôi trồng thủy sản. Trong đó, việc bổ sung vi sinh vật vào khẩu phần ăn cho thấy tác động tích cực trong việc tăng trưởng của sinh vật, do sử dụng tốt carbohydrate, protein và năng lượng. Từ đó giảm tỷ lệ tử chết do bệnh, đối kháng với các tác nhân gây bệnh và cân bằng hệ vi sinh vật tốt hơn trong đường ruột. Synbiotic được tạo thành từ sự kết hợp của các thành phần thức ăn không tiêu hóa được (prebiotic) và các vi sinh vật sống (probiotic). Synbiotics đề cập đến các chất bổ sung dinh dưỡng có sự kết hợp giữa probiotics và prebiotics để tạo thành mối quan hệ cộng sinh. Khái niệm mới này đối với ngành nuôi trồng thủy sản cần được đánh giá và nghiên cứu thêm để mô tả đầy đủ hơn các tác động của synbiotics đối với động vật thủy sinh. Probiotics là chất bổ sung chế độ ăn uống có chứa vi khuẩn sống, nấm men hoặc tảo có khả năng ảnh hưởng đến sinh vật chủ bằng cách cải thiện sự cân bằng đường ruột. Prebiotics là những thành phần thực phẩm không tiêu hóa được, ảnh hưởng có lợi đến sinh vật chủ bằng cách kích thích sự phát triển có chọn lọc và hoạt động của vi khuẩn trong ruột kết. Các tài liệu đã chứng minh rằng nhiều loài vi sinh vật đường ruột có thể có những ảnh hưởng có lợi đến năng suất tăng trưởng của cá và thành phần trong chế độ ăn có khả năng ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột. Thực phẩm chức năng cung cấp một lượng nhỏ chất bổ sung vào một cơ chế để giải quyết sự thiếu hụt dinh dưỡng ở chế độ ăn uống đó, nó không chỉ giúp mang lại lợi ích về dinh dưỡng mà còn cả về sức khỏe. Vì thế, giúp tăng tốc độ tăng trưởng của các động vật có liên quan và bảo vệ sức khỏe của chúng cũng như của cá trong việc chăn nuôi hiện nay. Hormone, kháng sinh và một số loại muối là một số chất phụ gia thức ăn phổ biến được sử dụng nhiều nhất trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của sinh vật nuôi.
Cải thiện sức khỏe và tăng tốc độ tăng trưởng cho vật chủ là mục đích chính của việc sử dụng synbiotic. Việc ứng dụng synbiotics trong nuôi trồng thủy sản đã mang lại nhiều tác động tích cực như tăng cường hiệu suất tăng trưởng, kích thích miễn dịch, cân bằng hệ vi sinh vật đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, chúng còn là tác nhân kiểm soát sinh học và quản lý chất lượng nước trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, cạnh tranh với mầm bệnh, khả năng bám dính và đối kháng với mầm bệnh, khả năng cung cấp enzym, chất chuyển hóa, tiêu hóa và hấp thu cũng là một số đặc tính của synbiotics.
2.Synbiotics trong nuôi trồng thủy sản
Sự kết hợp giữa prebiotics và probiotics được gọi là synbiotic. Việc sử dụng chúng là hai trong số những số cách tiếp cận có khả năng làm giảm các bệnh về đường ruột ở cá cũng như giảm sự ô nhiễm trong ngành nuôi trồng thủy sản về sau này. Probiotic là chất bổ sung chế độ ăn uống có chứa vi khuẩn sống có lợi, nấm men hoặc tảo. Ví dụ, probiotics bao gồm các vi khuẩn gram dương như Bacillus sp, Carnobacterium inhibens K1, Lactobacillus sp và các vi khuẩn gram âm như Aeromonas hydrophila, Pseudomonas fluorescens và Vibrio fluvialis. Các loại probiotics khác là vi khuẩn, nấm men (Saccharomyces cerevisiae, Phaffia Rhodozoma, Debaryomyces hansenii) và vi tảo (Tetraselmis suecica). Probiotics thường được lựa chọn sử dụng để kiểm soát các tác nhân gây bệnh cụ thể thông qua việc loại trừ sự cạnh tranh hoặc kích thích trực tiếp hệ thống miễn dịch của cá. Prebiotics là thành phần thức ăn không tiêu hóa được, ảnh hưởng có lợi đến vật chủ bằng cách kích thích sự phát triển có chọn lọc và / hoặc hoạt động của một hoặc một số vi khuẩn hạn chế trong đường ruột. Lợi ích sức khỏe được củng cố bằng cách ảnh hưởng trực tiếp đến sự cân bằng vi sinh đường ruột của sinh vật chủ, do đó có thể kích thích hệ thống miễn dịch của cá cũng như kiểm soát các tác nhân gây bệnh cụ thể thông qua việc loại trừ sự cạnh tranh. Prebiotics là thành phần thức ăn không tiêu hóa có tác dụng có lợi cho vật chủ. Nó có thể cải thiện sự cân bằng đường ruột của vật chủ bằng cách kích thích sự phát triển có chọn lọc và kích hoạt sự trao đổi chất của một số vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Ưu điểm chính của prebiotics so với probiotics là chúng là thành phần thức ăn tự nhiên, do đó cần hạn chế việc kiểm soát theo quy định đối với việc bổ sung vào chế độ ăn uống. Ngày nay, có một số thực phẩm chủ yếu là carbohydrate được sử dụng như prebiotic, nhưng để một loại thực phẩm được phân loại là probiotic, cần phải có một số đặc điểm. Fooks và cộng sự (1999) và Gibson và cộng sự (2004) tuyên bố rằng bất kỳ thực phẩm nào đến được ruột kết như carbohydrate, protein, peptide và một số chất béo không tiêu hóa được đều là prebiotics. Một ví dụ khác về prebiotic bao gồm Inulin, Oligofructose, Manno Oligossacharides (MOS), Transgalactooligossacharides (TOS), glucooligossacharide (GOS), Isomalto Oligosaccharides (IMO), lactosucrose, xylo-oligosaccharides (XOS), Soyabean Oligosaccharides. Gibson và cộng sự (1999) lưu ý rằng prebiotic có các đặc điểm như kháng axit dạ dày, thủy phân bằng enzym tiêu hóa và hấp thu qua đường tiêu hóa, lên men bởi hệ vi sinh đường ruột và kích thích sự phát triển có chọn lọc và / hoặc hoạt động của vi khuẩn đường ruột liên quan đến sức khỏe. Prebiotic trong chế độ ăn uống được lên men có chọn lọc bởi vi khuẩn probiotics Bifidobacteria, Lactobacillus và Bacteriodes để tạo ra các hợp chất chuỗi ngắn như propionat, lactose và một số lipid đã được báo cáo là làm tăng khả năng hấp thu glucose và sinh khả dụng của các nguyên tố vi lượng. Một số synbiotics Biogen, Pronifer, Biomin, Mycofix, Bacterins và Grobiotic là các synbiotic thương mại được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Việc áp dụng synbiotics trong nuôi trồng thủy sản đã cho thấy những kết quả tích cực như tăng quá trình lên men và sản xuất axit béo chuỗi ngắn (SCFA), giảm độ pH của ruột kết. Từ đó, có thể ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh đồng thời kích thích sự phát triển của Bifidobacteria và Lactobacillus. SCFA (propionat) được tạo ra và hấp thụ thông qua biểu mô ruột, trở thành nguồn năng lượng cho vật chủ. Lactate đi vào gan và được sử dụng làm tiền chất cho quá trình tạo gluconeogenesis. Cải thiện sức khỏe và năng suất tăng trưởng trong nuôi trồng thủy sản bằng cách kích thích sự phát triển của các vi sinh vật cụ thể trong đường ruột hoặc kích thích trực tiếp hệ thống miễn dịch về cơ bản là một chiến lược tốt và hợp lý. Việc bổ sung các chất phụ gia vào chế độ ăn để cải thiện năng suất và sức khỏe chung của sinh vật đang thu hút sư quan tâm không chỉ của người chăn nuôi mà còn cả những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời buổi thị trường cạnh tranh ngày càng tăng. Tuy nhiên, không được bỏ qua các yêu cầu cơ bản của chế độ ăn để cung cấp đủ số lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu cho các sinh vật khác nhau. Việc kích thích sự phát triển của vi khuẩn đường ruột bằng synbiotics liên quan đến việc cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng khác nhau để tạo điều kiện cho các vi khuẩn này nhân lên. Tác dụng của synbiotic (probiotic và prebiotics) sẽ bị giảm đi nếu nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cơ bản không thể được đảm bảo bởi chế độ ăn uống hoặc bản thân động vật. Việc áp dụng synbiotic (prebiotic và probiotic) vào nước nuôi chắc chắn sẽ có tác động đến các hệ thống nuôi trồng thủy sản,. Nó giúp loại bỏ các tác nhân gây căng thẳng cho môi trường như amoniac và nitrit, do đó góp phần cải thiện chất lượng nước trong hệ thống nuôi. Ngoài ra, nó cũng góp phần làm giảm sự phổ biến của các tác nhân gây bệnh như Vibrio hoặc nhiễm virus. Do đó, synbiotics có thể được thêm vào các bể và ao nơi động vật sinh sống, như một biện pháp kiểm soát sinh học hoặc để chúng có khả năng thay đổi thành phần vi khuẩn trong ruột, nước và trầm tích của động vật thủy sản. Hoặc synbiotics có thể được sử dụng cùng với thức ăn như một chất bổ sung sức khỏe. Probiotics và prebiotics trong nuôi trồng thủy sản đã được chỉ ra là có một số phương thức hoạt động như loại trừ sự cạnh tranh của các vi khuẩn gây bệnh thông qua quá trình sản xuất các hợp chất ức chế; cải thiện chất lượng nước; tăng cường đáp ứng miễn dịch của các loài vật chủ; và tăng cường dinh dưỡng của các loài vật chủ thông qua quá trình sản xuất và bổ sung các enzym tiêu hóa (theo Carnevali và cộng sự, năm 2006). Do đó, trong thời gian gần đây việc, sử dụng probiotics và prebiotics đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nuôi trồng thủy sản.
3.Hiệu quả của Synbiotics đối với cá và tôm
Các tiềm năng như giảm căng thẳng, tăng cường khả năng miễn dịch và kháng bệnh nhờ các yếu tố dinh dưỡng làm các chất phụ gia trong thức ăn như synbiotic, chất kích thích miễn dịch và vi khuẩn đã được chứng minh ở động vật máu nóng. Tuy nhiên, trong ngành nuôi trồng thủy sản có rất ít nghiên cứu về lĩnh vực này. Do đó, tác động của các chất dinh dưỡng trong khẩu phần và sự tương tác của chúng, các yếu tố kháng dinh dưỡng, chất phụ gia, thức ăn và chiến lược cho ăn cần được đánh giá để phát triển thức ăn hiệu quả về kinh tế và cách thức cho ăn nhằm tối ưu hóa tốc độ tăng trưởng, cải thiện khả năng chống căng thẳng, đáp ứng miễn dịch và kháng bệnh, đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm của các loài trong nuôi trồng thủy sản. Do đó, chuyên đề nghiên cứu này sẽ thảo luận về những hiệu quả sau đây của synbiotics trong nuôi trồng thủy sản:
- Hiệu suất tăng trưởng
- Tăng cường miễn dịch
- Khả năng tiêu hóa và hấp thụ
- Quản lý dịch bệnh
- Kiểm soát chất lượng nước
4.Hiệu suất tăng trưởng
Thực phẩm chức năng không chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản về dinh dưỡng của sinh vật nuôi mà còn cải thiện tốc độ tăng trưởng, khả năng sử dụng thức ăn và hơn nữa là sức khỏe chung và khả năng chống căng thẳng của động vật. Chi phí thức ăn chiếm hơn 50% chi phí biến đổi trong hầu hết các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Do đó, mục tiêu chính của ngành nuôi trồng thủy sản thương mại là tìm ra chiến lược cho ăn tốt nhất để có thể có tác động tích cực đến việc tối ưu hóa lợi nhuận. Đã có một số báo cáo về việc sử dụng prebiotics và probiotics đơn lẻ hoặc kết hợp (synbiotics) để tăng cường sự phát triển của cá và tôm. Việc bổ sung vào chế độ ăn uống của Beluga (Huso huso) với 1-3% inulin (prebiotic) cho thấy mối quan hệ tích cực giữa các chỉ số hoạt động bao gồm tăng trọng lượng (WG), tốc độ tăng trưởng cụ thể (SGR), tỷ lệ hiệu quả protein (PER), duy trì năng lượng (ER), hiệu quả sử dụng thức ăn (FE) và duy trì protein (PR). Các thông số về hiệu suất tăng trưởng của ấu trùng cá rô phi sông Nile (Oreochromis niloticus) được nuôi bằng chế độ ăn có bổ sung phụ gia thức ăn (Biogen®) hoặc (Pronifer®) trong thời gian (90 ngày) cho thấy rằng nhóm cá được cho ăn chế độ ăn bổ sung tăng trưởng tốt hơn so với nhóm ăn theo chế độ ăn đối chứng. Khattab và cộng sự (2004) và Mohamed và cộng sự (2007) báo cáo rằng ấu trùng cá rô phi sông Nile (O. niloticus) được nuôi bằng chế độ ăn bổ sung Biogen và nấm men biểu hiện sự tăng trưởng cao hơn so với ấu trùng được nuôi bằng chế độ ăn đối chứng. Họ cũng chỉ ra rằng chế độ ăn chứa 30% protein và bổ sung Biogen (synbiotic) ở mức 0,1% tạo ra hiệu suất tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn đạt mức tốt nhất. Các nhà nghiên cứu cũng đã kết luận rằng Biogen® là một chất phụ gia kích thích tăng trưởng thích hợp trong việc nuôi cá rô phi. Hiệu suất tăng trưởng tăng thường được quan sát thấy ở chế độ ăn của cá vược sọc lai có bổ sung GroBiotic hoặc men bia so với cá được cho ăn chế độ cơ bản trong suốt thử nghiệm, về trọng lượng cũng được quan sát thấy là tăng đáng kể sau 12 tuần cho ăn. Tăng trọng lượng và hiệu quả sử dụng thức ăn cũng được quan sát thấy trong khẩu phần ăn của cá vược sọc lai có bổ sung men bia tự phân một phần và GroBioticR-A (synbiotic) trong 16 tuần. Việc bổ sung GroBiotic giúp tăng cường đáng kể khả năng sống sót của cá vược sọc lai trong quá trình thử thách với vi khuẩn mycobacteria tại chỗ, cho thấy cá có khả năng sử dụng loại prebiotic này trong nuôi trồng thủy sản. Bacillus subtilis đã được chứng minh là tạo ra các enzym tiêu hóa như amylase, protease và lipase làm tăng nồng độ của các enzym tiêu hóa trong ruột. Vi khuẩn cũng đã được chứng minh là cải thiện hoạt động tiêu hóa thông qua việc tổng hợp vitamin và đồng yếu tố hoặc thông qua việc cải tiến các enzym. Gullian và cộng sự (2004) đã chứng minh tôm có sự tăng trưởng đáng kể khi được cấy vi khuẩn Bacillus sp, trong khi thông thường, sự tăng trưởng của tôm được nhận thấy là phát triển khi chế độ ăn tôm có bổ sung B.subtilis. Việc thêm các loại gia vị và dược liệu như tỏi, hành, kinh giới, caraway, húng quế, hồi, thì là, cam thảo, hạt đen và cỏ cà ri vào khẩu phần ăn của cá đã cải thiện khả năng tiêu hóa protein và duy trì năng lượng; bên cạnh đó, nó cũng góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng và chuyển hóa thức ăn. Để khả năng tiêu hóa được tốt hơn thì việc bổ sung probiotics vào chế độ ăn và khả năng tiêu hóa protein cần được cải thiện. Do đó, có thể giải thích rằng sự tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn tăng khi cho ăn với chế độ ăn bổ sung. El-Dakar và cộng sự (2007) báo cáo rằng trọng lượng cơ thể cuối cùng, tốc độ tăng trưởng cụ thể (SGR), tỷ lệ protein (PR), tỷ lệ năng lượng (ER) và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn (FCR) của cá dìa được cung cấp thức ăn với Biogen thương mại (synboitic) có tốc độ tăng trưởng tốt hơn so với những loài không sử dụng Biogen. Refstie và cộng sự (2006) nhận thấy rằng cá hồi Đại Tây Dương được nuôi bằng chế độ ăn dựa trên bột cá được bổ sung 75 g kg-1 inulin đã làm tăng trọng lượng tương đối của đường tiêu hóa, nhưng khả năng hấp thụ của cá không bị ảnh hưởng. Chế độ ăn chứa 20 g kg-1 oligofructose, fructooligosaccharide (FOS) được tạo ra bằng cách thủy phân một phần inulin bằng enzym thông qua việc chiết xuất rễ rau diếp xoăn bằng nước nóng, làm tăng sự phát triển của ấu trùng turbot, nhưng 20 g kg-1 inulin không ảnh hưởng đến tăng trưởng. Thí nghiệm ở cá hồi vân khi được cho ăn với chế độ ăn chứa 2 g kg-1 mannanoligosaccharide cho thấy sự tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và tỷ lệ sống sót cải thiện hơn so với những cá hồi vân được cho ăn với chế độ ăn cơ bản. Thành phần cơ thể và nồng độ protein trong cơ thể ở cá hồi vân và cá rô phi lai, đã được báo cáo là tăng lên khi mức MOS được tăng lên trong chế độ ăn từ 1,5 đến 4,5 g kg-1.
5.Khả năng tiêu hóa và hấp thu
Hỗn hợp probiotics và prebiotics (synbiotics) ảnh hưởng có lợi đến vật chủ bằng cách cải thiện khả năng sống sót và bổ sung các vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa (GIT), do đó cải thiện khả năng tiêu hóa và hấp thụ của vật chủ. Sự phát triển của hệ vi sinh vật có ích trong đường ruột tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lên men ở tất cả các loại động vật bao gồm cả con người. Quá trình lên men này có ý nghĩa dinh dưỡng đối với tất cả các loài động vật. Sự phân hủy của các vi khuẩn tạo ra các axit hữu cơ khác nhau như axit axetic, axit butyric, axit propionic và các chất khác gây giảm độ pH giúp làm giảm hoạt động của các enzym trong ruột non. Chúng cũng hữu ích trong việc sản xuất các vitamin như Vitamin A và K. Synbiotics có ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý chính của đường tiêu hóa, tác động đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng và thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Các chức năng chính của hệ vi sinh vật đường ruột bao gồm các hoạt động trao đổi chất dẫn đến việc tiết kiệm năng lượng và các chất dinh dưỡng có thể hấp thụ, tác động dinh dưỡng lên biểu mô ruột và bảo vệ vật chủ chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn gây hại. Hệ vi sinh vật ở ruột kết có tầm quan trọng thiết yếu đối với bất kỳ việc xem xét nào về vai trò của các thành phần thức ăn đối với sức khỏe và bệnh tật ở sinh vật nuôi, vì nhiều tác động sinh lý của các hợp chất này ảnh hưởng đến hoạt động của chúng. Flickinger và cộng sự (2003) giải thích rằng GIT của động vật không xương sống và động vật có xương sống cung cấp môi trường sống cho một hệ sinh thái đa dạng của vi sinh vật. Ahmed và cộng sự (2008) đã chỉ ra việc sử dụng Biogen đã làm gia tăng sự phát triển của các tế bào hẻm tuyến trong ruột non. Quần thể vi khuẩn trong dạ dày cũng đóng một vai trò quan trọng liên quan đến việc kích thích miễn dịch và phát triển mô lympho ở ruột. Bổ sung axit linoleic vào chế độ ăn đã làm thay đổi quần thể vi sinh vật đường ruột bằng cách ức chế sự phát triển của Lactobacillus spp và tăng cường sự phát triển của Aeromonas pp, pseudomonas spp và Vibrio spp. Lactosucrose đã được chứng minh là làm tăng độ dày của cơ ruột tunica của cá tráp biển Đỏ. Khi axit linoliec được bổ sung vào chế độ ăn của cá hồi chấm hồng Bắc Cực (Salvelinus afpinus), tổng số lượng vi sinh vật còn sống trong GIT tăng lên một bậc (10 lần) so với cá được cho ăn với chế độ ăn không có axit linoleic. Bổ sung MOS vào chế độ ăn giúp cải thiện hình thái ruột ở cả ruột trước và ruột sau. Bổ sung mannan oligosaccharide làm tăng diện tích bề mặt hấp thụ bằng cách thúc đẩy quá trình gấp niêm mạc dài hơn. Hơn nữa, việc tăng diện tích bề mặt hấp thụ đã được xác nhận thông qua hiển vi điện tử, các hình ảnh trong kính hiển vi cho thấy MOS có thể làm tăng cả về mật độ và chiều dài vi nhung mao. Do đó, việc bổ sung MOS có thể làm tăng đáng kể chiều dài vi nhung mao ở ấu trùng cá giò (Rachycentron canadum). Người ta quan sát thấy rằng chế độ ăn bổ sung 15% inulin gây ra những tác động có hại đối với các tế bào ruột của cá hồi chấm hồng Bắc cực, trong khi 2% inulin đã làm thay đổi đáng kể hệ vi sinh GIT ở ấu trùng cá turbot Pseseta maxima bằng cách tăng số loài trực khuẩn lên 14% và giảm vi khuẩn Vibro spp. Theo Ringø và cộng sự (2006), khi 15% inulin được thay thế bằng dextrin, quần thể vi khuẩn ở thân sau của cá hồi chấm hồng Bắc cực đã giảm từ 4,8 х 105 xuống 3,6 х 104. Việc bổ sung vào khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei) với nồng độ Fructooligossacharide (FOS) từ 0,025 – 0,80% trọng lượng đã làm thay đổi quần thể vi sinh vật trong đường tiêu hóa. Gatlin và Burr (2009) báo cáo rằng cá đù đỏ (Sciaenops ocellatus) được nuôi bằng chế độ ăn dựa trên đậu Soya và bột cá không ảnh hưởng đến quần thể vi sinh vật của đường tiêu hóa nhưng khi được bổ sung Grobiotic, chúng có tác dụng đáng kể đối với quần thể vi sinh vật.
6.Tăng cường miễn dịch
Việc sử dụng prebiotic và probiotic đơn lẻ hoặc kết hợp (synbiotics) sẽ tạo ra các chất kích thích hệ thống miễn dịch, do đó tăng cường bảo vệ vật chủ chống lại các các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Các hợp chất hóa học kích hoạt hệ thống miễn dịch của động vật được gọi là chất kích thích miễn dịch. Chúng có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi rút, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng gây ra. Nhiều báo cáo cho thấy hợp chất vi khuẩn hoạt động như một chất kích thích miễn dịch ở cá và tôm (Sakai, 1999). Isolauri và cộng sự (2002) đã báo cáo rằng synbiotics kích thích khả năng miễn dịch của sinh vật theo hai cách. Hệ thực vật từ synbiotic di chuyển khắp thành ruột và nhân lên đến một mức độ hạn chế, khi chúng chết đi, chúng giải phóng các kháng nguyên mà khi được hấp thụ sẽ kích thích hệ thống miễn dịch. Ấu trùng cá, tôm và các động vật không xương sống khác có hệ thống miễn dịch kém phát triển hơn cá trưởng thành và phụ thuộc chủ yếu vào các đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu để chống lại các bệnh truyền nhiễm. Theo sự tiêu hóa của vi khuẩn và quá trình nội bào ở ấu trùng cá tuyết và cá trích đã kích thích mạnh mẽ sự phát triển của hệ thống miễn dịch. Song và cộng sự (2006) đã quan sát thấy sự gia tăng hoạt động của acid phosphatase ở Miichtys miicy được nuôi bằng C. butyricum và nó được coi là dấu hiệu của sự gia tăng hệ thống miễn dịch. Việc sử dụng kết hợp giữa Bacillus spp và Vibrio spp sẽ thúc đẩy sức đề kháng của ấu trùng L. vannamei chống lại V. harveyi. Tế bào Vibrio, lipopolysaccharides peptidoglycan, laminaria, nấm men và glucans đã được thử nghiệm trong chăn nuôi quy mô nhỏ và được chứng minh là thành phần thức ăn quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tật thông qua việc sản xuất chất kích thích miễn dịch. Mussatto và Mancilha (2007) tuyên bố rằng vi khuẩn bifidobacteria trong ruột kết caeco tạo ra chất kích thích miễn dịch ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và gây thối rửa bằng cách lên men một số oligosaccharid. Việc sử dụng Grobiotic đã được báo cáo là làm tăng đáng kể khả năng miễn dịch của cá vược sọc, do đó nó có thể cải thiện tỷ lệ sống sót của cá. Hệ thống miễn dịch không đặc hiệu có tác động tích cực khi chế độ ăn của cá hồi vân và cá chép được bổ sung MOS. Torrecillas và cộng sự (2007) đã báo cáo rằng chế độ ăn kết hợp MOS ở mức 0,4% đã kích hoạt hệ thống miễn dịch của cá vược và tăng khả năng chống lại sự lây nhiễm vi khuẩn. Bổ sung Fructo-oligosaccharides (FOS) ở nồng độ từ 0,025 – 0,8% trọng lượng giúp tăng cường sự hô hấp của tế bào máu (đo lường khả năng miễn dịch không đặc hiệu) của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương được nuôi trong hệ thống tuần hoàn. Synbiotic thay đổi hệ vi sinh đường tiêu hóa để tăng cường các phản ứng miễn dịch không đặc hiệu. El-Boushy và El-Ashram (2006) đã chỉ ra rằng β-glucans có thể tăng cường khả năng miễn dịch không đặc hiệu của cá da trơn Châu Phi (Clarias gariepinus) hiệu quả hơn so với Saccharomyces cerevisiae. Nấm men β-glucans dường như điều chỉnh phản ứng miễn dịch cụ thể bằng cách tăng kháng thể huyết thanh do tế bào huyết tương tiết ra chống lại Edwardsiella ictaluri ở cá da trơn và chống lại Yersinia ruckeri ở cá hồi vân, khi được kết hợp với vitamin C.
7.Cơ quan kiểm soát sinh học
Việc sử dụng các liệu pháp hóa học khác nhau là cách để tránh sự nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ở cá. Tuy nhiên, việc sử dụng một số loại thuốc kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra đã làm tăng vi khuẩn kháng kháng sinh ở cá. Yasuda và Taga (1980) cho biết, bên cạnh việc sử dụng synbiotics làm thức ăn, còn có thể sử dụng chúng chất kiểm soát sinh học đối với các bệnh ở cá. Thêm vào đó, chúng còn kích hoạt và tái tạo lại các chất dinh dưỡng. Việc sử dụng probiotics và prebiotics được xem là một cách khả thi trong việc điều trị bệnh về đường tiêu hóa. Synbiotic được sử dụng với hy vọng kích thích tăng trưởng và tác động đến hệ vi sinh đường ruột, từ đó làm giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng do một số vi khuẩn gây ra. Việc bổ sung probiotics giúp khắc phục những thiếu hụt trong hệ vi khuẩn đường ruột và sự cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột để tăng cường sức đề kháng và giảm các bệnh nhiễm trùng. Probiotics chủ yếu được kết hợp với prebiotics và được sử dụng như tác nhân kiểm soát sinh học trong nuôi trồng thủy sản thuộc về vi khuẩn axit lactic (Lactobacillus, Carnobacterium), vibrio spp, Bacillus spp và Pseudomonas. Chế độ ăn bổ sung 2% Grobiotic và men bia (synbiotic) trong chế độ ăn của cá vược lai Morone chrysops cho thấy khả năng bảo vệ đáng kể để chống lại sự nhiễm trùng do Mycobacteria gây ra. Bổ sung probiotic trong chế độ ăn của cá cũng được quan sát để tạo ra khả năng chống lại những vi khuẩn mycobacteria gây bệnh phổ biến ở cá vược sọc lai hoang dã và nuôi như streptococcus iniae, Aeromonas hydrophilia và mycobacterium marinum. Mycobactreriosis nói chung là vi khuẩn gây bệnh mãn tính và gây nhiễm trùng nặng dẫn đến tỷ lệ chết tích lũy cao trong hệ thống tuần hoàn kín. Bổ sung mannan oligosaccharide có khả năng liên kết với một số vi khuẩn Gram âm ngăn cản sự xâm nhập của các vi khuẩn có khả năng gây bệnh vào ruột; do đó, hình thành cơ chế loại bỏ vi khuẩn khỏi ruột. Việc giảm số lượng lớn các vi khuẩn mycobactreriosis sẽ tăng cường khả năng bảo vệ và chống lại các loại bệnh. Torrecillas và cộng sự (2007) quan sát thấy rằng việc bổ sung MOS vào chế độ ăn uống cho cá vược châu Âu có thể bảo vệ và chống lại sự lây nhiễm của V. alginolyticus.
Việc bổ sung vi khuẩn axit lactic vào chế độ ăn trong môi trường nuôi có chứa ấu trùng cá đã làm giảm đáng kể tỷ lệ chết của ấu trùng vốn bị thách thức với vi khuẩn gây bệnh Vibrio spp. Một số chủng Pseudomonas fluorescens có thể loại trừ chủng vi khuẩn gây bệnh Aeromonas salmonica ra khỏi cá hồi Đại Tây Dương nhiễm bệnh do căng thẳng và hạn chế tỷ lệ chết của cá hồi vân khi bị nhiễm Vibrio anguilarum. Ahmed và cộng sự (2008) quan sát thấy rằng việc sử dụng hai liều super biobuds (synbiotic) có thể nâng cao tốc độ tăng trưởng, cải thiện tỷ lệ sống và tăng sức đề kháng của cá rô phi sông Nile đối với các vi khuẩn lây nhiễm đầy thách thức.
Bảng 1. Tổng quan tài liệu về việc sử dụng synbiotics làm tác nhân kiểm soát sinh học trong nuôi trồng thủy sản
Các loại synbiotics |
Tác dụng | Phương thức hoạt động được đề xuất | Tác giả |
Chế độ ăn bổ sung Lactobacillus plantarum |
Tỷ lệ sống của ấu trùng cá bơn tăng sau 2 tuần sau khi nở | Kích thích miễn dịch | Lara-Flores và cộng sự (2002) |
Chế độ ăn bổ sung chủng Bacillus IP5832 |
Tăng trọng lượng ấu trùng cá, giảm tỉ lệ chết khi thử nghiệm với khi khuẩn họ Vibrionaceae | Khả năng đối kháng | Gatesoupe (1991) |
Chế độ ăn bổ sung Carnobacterium divergens | Giảm tỷ lệ chết của cá tuyết Đại Tây Dương bị nhiễm vi khuẩn V. anguillarum | Khả năng đối kháng |
Gildberg và Mikkelsen (1998) |
Biogen và Pronifer | Tăng trọng lượng cơ thể và hiệu quả sử dụng thức ăn của O. niloticus |
Mohamed và cộng sự (2007) |
|
GroBiotic- A | Tăng hiệu suất tăng trưởng của Morone chrysops và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiễm trùng do mycobacteria.
|
Khả năng đối kháng |
Li và Gatlin (2005) |
8.Kiểm soát chất lượng nước
Sự tích tụ chất hữu cơ và sự xuất hiện của bùn đen, trầm tích, vi sinh vật kỵ khí ở đáy ao là mối quan tâm của hầu hết các nhà nuôi trồng thủy sản , đặc biệt là tôm. Sự tích tụ này làm tăng nhu cầu về oxy và tính axit của đất dưới đáy ao có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của sinh vật nuôi. Do đó, bất kỳ phương pháp nào làm giảm sự tích tụ chất hữu cơ thành trầm tích trong ao nuôi đều phải nâng cao chất lượng của hệ sinh thái ao nuôi. Sự suy giảm chất lượng đất và nước trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản thường liên quan đến sự phân hủy các chất hữu cơ theo thời gian. Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sử dụng synbiotics trong nuôi trồng thủy sản có thể tăng cường tốc độ phân hủy chất hữu cơ, tăng mức độ oxy hòa tan, loại bỏ các chất thải không mong muốn (nitrit amoniac, carbon dioxide và sulfide), giảm tỷ lệ tảo xanh và tăng sản lượng thủy sản. Việc áp dụng prebiotic và probiotic đã được chứng minh là có hiệu quả trong các trại sản xuất tôm giống bằng cách loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh cạnh tranh để lấy dinh dưỡng và các nguồn khác, do đó làm giảm nguy cơ mắc và cải thiện sự phát triển của ấu trùng.
9.Thuộc tính và phương thức hoạt động của Synbiotic (Prebiotic và Probiotic)
Duy trì mối quan hệ có lợi giữa vi sinh vật có ích và vi sinh vật gây bệnh để tạo nên một hệ thực vật trong ruột và da của động vật thủy sinh là mục đích chính của việc sử dụng synbiotic. Do đó, synbiotic được mong đợi có một vài đặc tính cụ thể để chứng minh tác dụng có lợi của chúng. Các thuộc tính này bao gồm
- Loại trừ cạnh tranh
- Đối kháng với mầm bệnh
- Khả năng bám dính
- Kích thích miễn dịch
10.Bám dính để ngăn chặn sự cạnh tranh
Một cơ chế có thể để ngăn chặn sự xâm chiếm của các tác nhân gây bệnh là cạnh tranh với các vị trí bám dính trên ruột và các mô khác. Để hình thành vi khuẩn trong ruột cá thì khả năng bám dính vào chất nhầy và bề mặt của thành ruột là yếu tố cần thiết. Sự bám dính của vi khuẩn vào bề mặt mô rất quan trọng trong giai đoạn đầu của quá trình lây bệnh truyền nhiễm. Lactobacilli, Bifidobacteria và Cornobacteria tạo thành hệ vi sinh chủ yếu sống trong đường tiêu hóa của nhiều loài động vật có xương sống bao gồm cả cá. Các vi khuẩn này bám chắc vào biểu mô niêm mạc, do đó không bị nhu động cuốn trôi dọc theo thành ruột. Tác động đầu tiên của synbiotic có thể là cạnh tranh về các thụ thể bám dính với các tác nhân gây bệnh. Khả năng liên kết đã được thử nghiệm trong ống nghiệm và trên sinh vật sống. Kết quả cho thấy rằng các tác nhân gây bệnh đã bị thay thế bởi synbiotic tiềm năng dựa trên khả năng bám vào chất nhầy của nó. Do đó, có thể nói rằng việc sử dụng synbiotic có thể ngăn chặn sự phát triển của các tác nhân gây bệnh trong đường tiêu hóa. Synbiotic ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh dọc theo thành ruột và do đó, ngăn ngừa sự phát triển của bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng synbiotics sống trong mầm bệnh và việc sử dụng kháng sinh làm rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột và tăng khả năng nhạy cảm với bệnh nhiễm trùng. Nhưng việc bổ sung synbiotic có thể làm tăng khả năng chống bệnh nhiễm trùng. Các cơ chế được đề xuất để ức chế các tác nhân gây bệnh bởi hệ vi sinh vật đường ruột bao gồm cạnh tranh về chất dinh dưỡng, sản xuất hợp chất độc hại (pH thấp và vi khuẩn), cạnh tranh về các vị trí liên kết trên biểu mô ruột và kích thích hệ thống miễn dịch.
Loại trừ sự cạnh tranh được áp dụng cho đường tiêu hóa được coi là một hiện tượng của hệ vi sinh được thiết lập để ngăn chặn hoặc làm giảm sự xâm chiếm của vi khuẩn cạnh tranh đầy thách thức ở cùng một vị trí trong ruột. Mục đích của sử dụng synbiotics theo phương pháp loại trừ sự cạnh tranh là để có được một hệ vi sinh vật ổn định, phù hợp và được kiểm soát trên môi trường nuôi cấy dựa trên sự cạnh tranh về các vị trí gắn kết trên niêm mạc, chất dinh dưỡng và sản xuất chất ức chế bởi hệ vi sinh ngăn cản sự sinh sôi nảy nở và / hoặc phá hủy vi khuẩn gây bệnh, do đó làm giảm sự xâm chiếm của vi khuẩn. Vi khuẩn lactic được biết là vi khuẩn sản xuất các hợp chất như bacteriocins ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác. Hầu như tất cả các vi sinh vật đều cần sắt để phát triển. Các vi khuẩn thành công trong việc gây bệnh có thể cạnh tranh để lấy sắt trong môi trường căng thẳng, các mô và dịch cơ thể của vật chủ. Việc thiếu sắt trong chế độ ăn của ấu trùng cá vược (Dicentrarchus labrax) không ảnh hưởng bất lợi đến tỷ lệ sống hoặc tốc độ tăng trưởng của cá, nhưng hạn chế đáng kể lượng vi khuẩn của ấu trùng và tăng tính đa dạng của hệ vi sinh vật. Các tác nhân gây bệnh có nhu cầu cao về hàm lượng sắt, bao gồm cả V. anguillarum. Trong một thử nghiệm thách thức với vi khuẩn này, tỷ lệ chết của cá hồi tăng tuyến tính với hàm lượng sắt trong khẩu phần ăn. Smith và Davey (1993) đã chỉ ra rằng pseudomonad F19/3 phát sáng có khả năng ức chế sự phát triển của Aeromonas salmonicida trong môi trường nuôi cấy, và sự ức chế này là do sự cạnh tranh tự do về sắt. Chủng F19/3 cũng có khả năng loại trừ A. salmonicida ra khỏi cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) mắc bệnh nhiễm trùng do căng thẳng. Sự loại trừ cạnh tranh đã được chứng minh ở thành manh tràng của gà, kết quả cho thấy thành manh tràng vẫn giữ nguyên tác dụng sau khi được rửa bốn lần trong nước muối đệm. Khả năng bám dính và sự phát triển của chất nhầy bên trong hoặc bên ngoài ruột đã được chứng minh trong ống nghiệm đối với các tác nhân gây bệnh cho cá như V. anguillarum và A. hydrophila, các probiotics như chủng Carnobacterium K1 và một số chủng phân lập ức chế V. anguillarum. Một trong những mục đích của nghiên cứu là xác định khả năng bám dính của các chủng vi khuẩn này trong ống nghiệm và sự phát triển của chúng trong chất nhầy ở ruột của cá turbot. Việc điều tra khả năng xâm nhập của các loại vi khuẩn này như một biện pháp để bảo vệ vật chủ khỏi bị nhiễm V. anguillarum. Các chủng phân lập trong ruột thường bám dính tốt hơn nhiều so với màng nhầy ruột, chất nhầy da và albumin huyết thanh bò hơn và V. anguillarum. Điều này cho thấy chúng có thể cạnh tranh hiệu quả với các tác nhân gây bệnh để tìm các vị trí bám dính trên bề mặt niêm mạc ruột.
11.Khả năng đối kháng
Sự xâm nhập hoặc bổ sung của một số sinh vật gây bệnh từ bên ngoài có thể phân tán ảnh hưởng các quần thể vi sinh vật. Sự đối kháng của vi khuẩn là một hiện tượng phổ biến trong tự nhiên và đóng một vai trò quan trọng trong sự cân bằng giữa vi sinh vật có lợi và vi sinh vật có khả năng gây bệnh. Ngoài ra, vi sinh vật có thể là nguồn cung cấp nhiều loại sản phẩm tự nhiên có hoạt tính sinh học cho mục đích nghiên cứu cơ bản và thương mại, có tác dụng ức chế sự phát triển của vi sinh vật. Vi khuẩn thuộc chủng Vibrio spp là một phần của hệ thực vật tự nhiên ở sinh vật biển và gây ra tỷ lệ chết ở ấu trùng tôm và tôm chưa trưởng thành. Bacillus spp, Lactobacillus pp và nấm men đã được sử dụng làm probiotic hoặc kết hợp với prebiotic để có tác dụng đối kháng với Vibrio spp. Trong nuôi trồng thủy sản, synbiotics được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa và / hoặc chống lại bệnh do vi khuẩn gây ra, ví dụ như hội chứng chèn ép cột sống do vi khuẩn Flavobacterium psychrophilum gây ra. Việc sử dụng vi khuẩn axit lactic hoặc nấm men đã làm giảm lượng vi khuẩn này. Vibrio sp. và Aeromonas sp. đã trở thành vi sinh vật gây bệnh nhiều nhất trong việc nuôi cá. Pseudomonas đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà nuôi trồng thủy sản và được coi như một vi sinh vật bảo vệ chống lại bệnh tật. Chúng được sử dụng như một chất kiểm soát sinh học cho thực vật. Trong những năm gần đây, người ta đã quan tâm nhiều đến việc sử dụng vi khuẩn axit lactic làm phương pháp khử trùng và để kiểm soát các quần thể của hệ vi sinh bản địa như Aeromonas và các loài Vibrio. Thử nghiệm đối kháng trong ống nghiệm dựa trên hiện tượng tự nhiên của quá trình sản xuất các chất chuyển hóa kháng khuẩn từ một số chủng vi khuẩn. Nó là cách được sử dụng thường xuyên để sàng lọc probiotics và prebiotics. Ví dụ, sự đối kháng của B. subtilis (chủng BT23) chống lại V. harveyi đã tạo ra sự bảo vệ cho Penaeus monodon.
12.Tổng kết
Ngày nay, việc sử dụng các chất bổ sung vi sinh để cải thiện các hoạt động trong nuôi trồng thủy sản đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Có thể cho rằng với các hệ thống nuôi trồng thủy sản, việc áp dụng các chất prebiotic và probiotic tiềm năng vào nước chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến quá trình nuôi. Chúng giúp loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng như amoniac, nitrit và làm giảm sự phổ biến của các tác nhân gây bệnh như Vibrio hoặc nhiễm virus. Do đó chất lượng nước trong hệ thống nuôi sẽ được cải thiện. Thêm vào đó, việc bổ sung vi sinh vật vào nước chắc chắn sẽ xâm nhập vào ruột của các loài nuôi. Thuốc kháng sinh được sử dụng với hy vọng kích thích tăng trưởng ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột, làm tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu.
Việc sử dụng trực tiếp thuốc kháng sinh sẽ làm giảm khả năng kháng bệnh nhiễm trùng do một số vi khuẩn gây ra. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy synbiotic hoạt động bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của vật chủ, tăng hệ vi khuẩn đường tiêu hóa, cải thiện khả năng chống lại sự lây nhiễm của probiotic trong nước (từ nước ngọt đến nước mặn của các trang trại và phòng thí nghiệm) là một điểm đặc biệt cần xem xét của nghiên cứu về môi trường. Các sản phẩm probiotics thường là chủng ngoại lai hoặc ngoại sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm vi sinh vật, đặc biệt là khi sử dụng chủng có biến đổi gen, có khả năng bám dính cụ thể hoặc khu trú thích hợp, sản xuất kháng sinh và tác dụng hiệp đồng. Tuy nhiên, một số sản phẩm synbiotics đã được nghiên cứu cẩn thận để chứng minh hiệu quả của chúng, và có thể được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Các chế phẩm vi khuẩn có lợi là chế phẩm sinh học dành riêng cho loài đã trở nên phổ biến rộng rãi hơn cho cộng đồng nuôi trồng thủy sản. Những chế phẩm này cho thấy tác dụng hữu ích cụ thể như ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh và cung cấp một yếu tố tự nhiên để có được một môi trường đường ruột khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch ổn định. Việc thiết lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh mạnh mẽ, bao gồm probiotic và thực hành quản lý tốt được hy vọng là sẽ nâng cao sản lượng của sinh vật thủy sinh.
Mặc dù có sự khác biệt giữa những người nông dân và các nhà nghiên cứu về việc bổ sung synbiotics vào hệ thống nuôi trồng thủy sản, nhưng việc hấp thụ prebiotic và probiotic chủ yếu phụ thuộc vào các loại thành phần được sử dụng trong công thức của chế độ ăn. Do đó, sẽ rất khác nhau giữa khả năng hấp thụ các loài và khẩu phần ăn của chúng. Việc bổ sung synbiotics trong khẩu phần ăn của cá đã được cân nhắc ở một mức độ nào đó. Các loại synbiotics để bổ sung các đặc tính cụ thể của động vật (loài, tuổi, giai đoạn sản xuất) và loại chế độ ăn là những cân nhắc quan trọng.
Theo: Irom Okey
Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital
Xem thêm:
- Nghiên Cứu Tầm Quan Trọng Của Vi Tảo Trong Ngành Nuôi Trồng Thủy Sản
- Úc Thiết Lập Chương Trình Lai Tạo Giống Để Thúc Đẩy Nuôi Tôm Bạc Thẻ Fenneropenaeus Merguiensis.
- Ứng Dụng Của Chế Phẩm Sinh Học Trong Nuôi Tôm