Nguồn Phospholipid Tác Động Như Thế Nào Đến Sự Tăng Trưởng, Sức Khỏe Và Hệ Vi Sinh Vật Đường Ruột Của Tôm Thẻ Chân Trắng Cái

Dầu krill cải thiện khả năng chống oxy hóa và miễn dịch bẩm sinh hơn so với các loại phospholipid khác trong chế độ ăn.

Các tác giả đã đánh giá tác động của các nguồn phospholipid khác nhau đối với tôm L. vannamei cái và báo cáo rằng tất cả các loại phospholipid trong chế độ ăn được thử nghiệm – đặc biệt là dầu krill– có thể cải thiện khả năng chống oxy hóa của tôm nuôi và khả năng miễn dịch bẩm sinh chống lại vi khuẩn gây bệnh. Ảnh của Darryl Jory.

Tình trạng sức khỏe của tôm bố mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng ấu trùng tôm và việc cải thiện năng suất sinh sản là mục tiêu cơ bản để hỗ trợ sự phát triển của ngành tôm bố mẹ. Nghiên cứu về dinh dưỡng của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) bố mẹ nói chung chỉ giới hạn ở chế độ ăn giàu chất béo, axit béo và vitamin. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng mức lipid trong chế độ ăn có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển buồng trứng của tôm thẻ chân trắng L. vannamei, nhưng mức axit béo tối ưu trong chế độ ăn chưa được báo cáo.

Phospholipid là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho động vật giáp xác, nó đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự tăng trưởng và sức khỏe của động vật, tuy nhiên, các loại phospholipid với liều lượng khác nhau sẽ tạo nên những tác dụng khác nhau. Việc bổ sung phospholipid trong chế độ ăn có thể tăng cường chuyển hóa glutathione (đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chống oxy hóa, chuyển hóa chất dinh dưỡng và điều hòa các sự kiện tế bào) của tôm cái và cải thiện khả năng chống oxy hóa. Tuy nhiên, vẫn chưa có báo cáo về liều lượng của phospholipid đối với tình trạng sức khỏe của tôm bố mẹ L. vannamei.

Bài viết này – được tóm tắt từ bài báo gốc (Liang, X. và cộng sự, 2022. Tăng trưởng, Sức khỏe và Hệ vi sinh vật đường ruột của Tôm thẻ chân trắng cái, Litopenaeus vannamei, Tôm bố mẹ được nuôi bằng các nguồn Phospholipid khác nhau. Antioxidants 2022, 11(6), 1143) – đã đánh giá tác động của ba loại phospholipid (lecithin đậu nành, lecithin lòng đỏ trứng và dầu krill) đối với tôm thẻ L. vannamei về tốc độ tăng trưởng, khả năng chống oxy hóa, khả năng miễn dịch và hệ vi sinh vật đường ruột.

Thiết lập nghiên cứu

Nghiên cứu này điều tra tác động của các nguồn phospholipid khác nhau trong chế độ ăn đối với sự tăng trưởng, hoạt động chống oxy hóa, khả năng miễn dịch và hệ vi sinh vật đường ruột của tôm thẻ chân trắng cái. Tôm L. vannamei cái được thu thập từ một công ty tư nhân ở Hải Nam, Trung Quốc. Tôm được thuần trước khi thí nghiệm bắt đầu, sau đó 160 con được thả ngẫu nhiên vào 16 bể. Mỗi nghiệm thức có 4 bể với 10 con/bể và cho ăn chế độ ăn đối chứng trong 7 ngày để thích nghi với điều kiện thí nghiệm.

4 chế độ ăn bán tinh khiết isoproteic và isolipid chứa 4% lecithin đậu nành (SL), lecithin lòng đỏ trứng (EL) hoặc dầu krill (KO) và chế độ ăn đối chứng không bổ sung phospholipid được sử dụng cho tôm L. vannamei cái (trọng lượng 34,7 ± 4,2 gram) ăn trong 28 ngày. Trong quá trình nuôi 28 ngày, lượng thức ăn hàng ngày là khoảng 5,5% và tôm được cho ăn 7 lần/ngày. Thức ăn thừa và phân được loại bỏ bằng cách siphon 2 lần/ngày, thay nước khoảng 50% mỗi ngày. Các thông số chất lượng nước được duy trì ở nhiệt độ 28–29°C, pH 7.8–8.4, độ mặn 30-32 ppt, oxy hòa tan 5–6 mg/L, nitơ amoniac 0.10–0.30 mg/L, nitrit 0.03–0.10 mg/L, và chu kỳ sáng là 12 giờ sáng, 12 giờ tối. Sau 28 ngày, các mẫu hemolymph, gan tụy và ruột giữa được thu thập và xử lý để phân tích trong phòng thí nghiệm.

Để biết thông tin chi tiết về thiết kế thí nghiệm và cách nuôi dưỡng; xây dựng và chuẩn bị chế độ ăn; phân tích hệ vi sinh vật đường ruột; xét nghiệm các thông số liên quan đến khả năng chống oxy hóa và khả năng miễn dịch; và phân tích thống kê, vui lòng tham khảo bài báo gốc.

Kết quả và thảo luận

Thúc đẩy và hỗ trợ sức khỏe của tôm bố mẹ L. vannamei là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc củng cố và mở rộng sự phát triển bền vững của ngành tôm toàn cầu. Nhiều nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng việc bổ sung phospholipid vào chế độ ăn có thể cải thiện đáng kể hiệu suất tăng trưởng của động vật giáp xác. Dữ liệu từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, so với nhóm đối chứng, việc bổ sung phospholipid trong chế độ ăn làm tăng đáng kể trọng lượng và tốc độ tăng trưởng cụ thể của tôm L. vannamei cái bất kể nguồn phospholipid nào, không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và yếu tố điều kiện (Hình 1).

Hình 1: Các kiểu hình tăng trưởng của tôm L. vannamei cái được cho ăn các chế độ ăn thử nghiệm khác nhau. (A) Tỷ lệ sống. (B) Yếu tố điều kiện. (C) Tăng trọng. (D) Tốc độ tăng trưởng cụ thể. Các giá trị là giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn (n = 4). Các giá trị có các chữ cái chỉ số trên khác nhau cho thấy sự khác biệt đáng kể (p < 0,05) giữa tất cả các nghiệm thức.

Không có sự khác biệt đáng kể về các thông số liên quan đến tốc độ tăng trưởng giữa các nhóm lecithin đậu nành (SL), lecithin lòng đỏ trứng (EL) và dầu krill (KO), mặc dù tôm ăn chế độ ăn dầu krill cho thấy giá trị cao nhất đối với các thông số này. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng của tôm được nuôi bằng dầu krill tốt hơn so với tôm được cho ăn lecithin đậu nành và lecithin lòng đỏ trứng.

Việc bổ sung Phospholipid vào chế độ ăn có thể tăng cường khả năng chống lại áp lực môi trường và tạo ra phản ứng chống oxy hóa để bảo vệ các cơ quan khỏi bị hư hại do oxy hóa. Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng phospholipid trong chế độ ăn làm tăng đáng kể khả năng chống oxy hóa tổng số của tôm, điều này phù hợp với kết quả từ các báo cáo khác rằng phospholipid trong chế độ ăn có thể làm tăng đáng kể hoạt động của các enzyme quan trọng như superoxide dismutase (SOD) và plasma glutathione peroxidase (GSH-Px) trong gan tụy. Tôm cái đang trong quá trình phát triển tuyến sinh dục sẽ tích tụ một lượng chất béo đáng kể trong gan tụy và hoạt động của các enzym quan trọng được tăng lên đáng kể, do đó, việc bổ sung phospholipid vào chế độ ăn có thể giúp giải quyết áp lực oxy hóa do tích tụ chất béo quá mức trong gan tụy.

Do thiếu khả năng miễn dịch thích ứng, động vật giáp xác chỉ có thể dựa vào khả năng miễn dịch bẩm sinh để loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh và đây là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các bệnh truyền nhiễm. Miễn dịch bẩm sinh của giáp xác bao gồm miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể. Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng phospholipid trong chế độ ăn có thể tăng cường hoạt động của hệ thống phenoloxidase (hệ thống bảo vệ miễn dịch chính ở động vật không xương sống) và lysozyme (một phần enzyme kháng khuẩn của hệ thống miễn dịch bẩm sinh), cũng như điều chỉnh tăng biểu hiện của một số gen quan trọng. Do đó, dựa trên những phát hiện từ nghiên cứu, chúng tôi kết luận rằng việc bổ sung phospholipid vào thức ăn cho tôm có thể tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh.

Đường ruột là môi trường thích hợp cho các vi sinh vật cộng sinh cư trú và phát triển ở động vật thủy sản. Ruột là cơ quan chính để tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng và là “cơ quan miễn dịch” lớn nhất của cơ thể. Hệ vi sinh vật đường ruột thúc đẩy sức khỏe đường ruột và đảm bảo chức năng sinh lý bình thường liên tục của đường ruột bằng cách xây dựng hàng rào đầu tiên chống lại mầm bệnh. Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng phospholipid trong chế độ ăn có thể có lợi cho việc cân bằng nội môi miễn dịch đường ruột ở tôm.

Quan điểm

Những phát hiện từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng việc bổ sung phospholipid vào chế độ ăn có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng và tình trạng sức khỏe của tôm thẻ L. vannamei cái. Việc bổ sung dầu krill trong chế độ ăn có tác dụng cải thiện khả năng chống oxy hóa và khả năng miễn dịch bẩm sinh cao hơn so với các nguồn phospholipid khác. Hơn nữa, dầu krill có thể giúp thiết lập hàng rào miễn dịch đường ruột bằng cách tăng sự phong phú của một số vi khuẩn có lợi và thúc đẩy sự phát triển của tôm cái.

Theo Tiến sĩ Erchao Li

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/how-phospholipid-sources-impact-growth-health-and-gut-microbiota-of-female-pacific-white-shrimp/

Biên dịch: Huyền Thoại – Bình Minh Capital

Xem thêm:

You cannot copy content of this page